Dự kiến chỉ đào tạo giáo viên ở các cơ sở giáo dục đại học từ năm 2030
Sáng 30/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì toạ đàm lấy ý kiến góp ý Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD đại học và sư phạm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc buổi tọa đàm sáng 30/11 tại Hà Nội.
Sẽ dừng đào tạo giáo viên ở cao đẳng
Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo các Vụ/Cục/đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện một số Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học (ĐH) trên cả nước cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục.
Chia sẻ tại đây, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện nước ta có 103 cơ sở đào tạo giáo viên gồm: 15 trường ĐH sư phạm; 50 trường ĐH đa ngành, trường ĐH đặc thù; 20 trường CĐ sư phạm; 18 trường CĐ đa ngành có đào tạo giáo viên.
Trẻ tại Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) trong một hoạt động tập thể.
“Bộ GD&ĐT dự kiến từng bước chuyển việc đào tạo ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng sang các trường đại học sư phạm và các cơ sở giáo dục ĐH đa ngành có nhóm ngành đào tạo giáo viên. Tức, từ sau 2030 chỉ tổ chức đào tạo giáo viên tại các cơ sở giáo dục ĐH” – PGS.TS Nguyễn Anh Dũng thông tin.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương, cả nước hiện đang thiếu khoảng 51.000 giáo viên mầm non. Nếu đào tạo giáo viên mầm non ở bậc đại học thì sẽ rất lãng phí.
Do đó, Bộ GD&ĐT nên tính toán để giữ lại 3 trường cao đẳng trực thuộc Bộ gồm: CĐ Sư phạm Trung ương, CĐ Sư phạm Trung ương Nha Trang, CĐ Sư phạm Trung ương TP HCM để đào tạo giáo viên mầm non.
Sẽ có 5 Đại học Quốc gia
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cùng chủ trì buổi tọa đàm.
Báo cáo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ, việc phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH sẽ theo hướng cơ bản giữ ổn định về số lượng và cơ cấu, tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô.
Theo đó, các cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm quốc gia đến năm 2030 gồm: 5 Đại học Quốc gia; 5 Đại học vùng; 18 – 20 cơ sở giáo dục ĐH trọng điểm ngành quốc gia. Đây là các đơn vị đầu tàu với quy mô đào tạo đại học trên toàn quốc là 30%; Thạc sĩ 60% và Tiến sĩ 80%.
Đại học Quốc gia nằm trong trung tâm của vùng kinh tế động lực, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực, ngành trọng điểm khác của đất nước.
Các đại học quốc gia nằm trong quy hoạch.
Tới năm 2030, phát triển thêm 3 Đại học Quốc gia trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM trở thành các đại học thuộc nhóm hàng đầu Châu Á.
Dự kiến, từ năm 2030 sẽ phát triển thêm 4 đại học vùng trên cơ sở Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Tây Nguyên và Trường ĐH Cần Thơ, cùng với Đại học Thái Nguyên trở thành các đại học có uy tín trong khu vực và thế giới.
PGS.TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng, việc quy hoạch đưa một số cơ sở giáo dục đại học thành lập Đại học Quốc gia ngoài các tiêu chí về đội ngũ, học thuật cần đặc biệt chú ý cách tiếp cận địa – chính trị phát triển vùng, nhất là vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới.
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu vào dự thảo báo cáo. Thứ trưởng yêu cầu, cần làm tốt hơn việc đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu về đào tạo giáo viên của các địa phương.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá nhóm ý kiến đề nghị bổ sung thêm các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm là nguyện vọng chính đáng. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn hoàn thiện dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học thật chặt chẽ, rõ ràng về mặt mục tiêu, tiêu chí. Sau khi có quy hoạch mới tính tới các bước tiếp theo.
|