Đồng bộ giải pháp đảm bảo đủ SGK cho năm học mới
Bảo đảm đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh luôn là nhiệm vụ các nhà trường, địa phương đặc biệt quan tâm.
Học sinh Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) tiếp nhận SGK của đoàn thiện nguyện từ Hà Nội trao tặng.
Thời điểm này, sau khi công tác lựa chọn SGK đã hoàn thành, nhiều giải pháp được triển khai để 100% học sinh có đủ sách trước năm học mới.
Nhà trường chủ động
Với trường vùng khó, số lượng lớn học sinh không thể tự trang bị SGK, lãnh đạo nhà trường phải chủ động nhiều giải pháp để huy động nguồn lực. Tại Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị), theo chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng, địa bàn có trên 85% hộ nghèo, kéo theo tầm đó học sinh không tự trang bị SGK để học.
Trước khó khăn này, hiệu trưởng nhà trường đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ SGK cho học sinh. Qua đó, cơ bản đáp ứng đủ số lượng sách cần cho năm học. Số ít còn thiếu, nhà trường trích ngân sách để mua, hoặc vận động phụ huynh mua sách cho con em từ nguồn kinh phí hỗ trợ học tập của Chính phủ.
“Việc bảo quản để sử dụng SGK lâu dài đặc biệt quan trọng với trường vùng khó như Tiểu học & THCS A Xing. Bởi vậy, nguồn sách được nhà hảo tâm hỗ trợ, sẽ nhập ngay thư viện, xem đó như tài sản của nhà trường.
Sau đó, căn cứ nhu cầu từng lớp, SGK được giao đến giáo viên chủ nhiệm để phát cho học sinh. Giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn trò sử dụng và bảo quản; cuối kỳ trả lại thư viện. Việc bảo quản SGK thậm chí được đưa vào tiêu chí thi đua của tập thể lớp và giáo viên chủ nhiệm. Với cách làm này, hằng năm số lượng sách thất thoát không đáng kể”, thầy Nguyễn Mai Trọng cho biết.
Tại Trường THPT Tịnh Biên (thị xã Tịnh Biên, An Giang), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hạ Hưng Sơn cho hay: Triển khai Chương trình GDPT 2018, nhà trường tiến hành thống kê, khảo sát nhu cầu trang bị SGK để giới thiệu nguồn mua hoặc mua hộ cho gia đình học sinh có đủ điều kiện. Học sinh khó khăn được lập danh sách để hỗ trợ từ quỹ xã hội hóa của trường. Hai năm học vừa qua, cơ bản nhà trường đã trang bị SGK cho học sinh đầy đủ, kịp thời.
Năm học 2024 – 2025, Trường THPT Tịnh Biên tiếp tục khảo sát nhu cầu mua SGK (thông qua buổi tư vấn lựa chọn tổ hợp môn với khối 10 và chuyển đổi tổ hợp môn đối với khối 11, 12), dự kiến vào đầu tháng 7. Đồng thời, tiếp tục khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ SGK để vận động nhà hảo tâm nhằm bảo đảm 100% học sinh có SGK vào năm học mới.
Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cũng là địa bàn vùng khó. Theo ông Phạm Viết Phúc – Trưởng phòng GD&ĐT, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn chiếm trên 65%. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào nương rẫy nên việc mua sắm một bộ sách đầy đủ cho con là khó khăn. Nhiều gia đình, bố mẹ đi làm ăn xa gửi con lại cho ông bà, người thân chăm sóc nên mọi việc học hành của học sinh hầu như phó mặc cho nhà trường.
Nhận rõ khó khăn này, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện sớm thông tin về các bộ sách cần mua và giới thiệu cho phụ huynh biết nhà cung ứng uy tín, giá cả phù hợp. Do địa bàn cách trở, phụ huynh có thể nhờ giáo viên, nhà trường mua hộ. Thầy cô luôn nhắc nhở học sinh giữ gìn SGK cẩn thận để tặng lại các em khóa sau; tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh lớp trước tặng lại SGK cũ.
Việc kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ sách cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn cũng được các trường thực hiện tốt. Cùng đó, nhà trường vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên tình nguyện đóng góp tiền để mua SGK, dụng cụ học tập tặng trò nghèo. “Với nhiều giải pháp, các trường luôn bảo đảm 100% học sinh có đủ SGK phục vụ học tập”, ông Phạm Viết Phúc khẳng định.
Hiếu Nguyễn