Đối tượng học sinh, sinh viên nào được ưu tiên tiếp nhận ở nội trú?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; học sinh, sinh viên thuộc diện gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nước… được ưu tiên tiếp nhận ở nội trú.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư quy định về công tác học sinh, sinh viên nội trú, ngoại trú. Dự thảo nêu rõ các đối tượng ưu tiên tiếp nhận ở nội trú.
Theo đó, khi tiếp nhận vào ở nội trú, trong trường hợp số học sinh, sinh viên có nguyện vọng vượt quá quy mô của khu nội trú, thì Hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào các đối tượng sau để xét duyệt:
1. Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
2. Học sinh hưởng chính sách của các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú.
3. Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số.
4. Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em.
5. Học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
6. Học sinh, sinh viên thuộc diện gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nước.
7. Học sinh, sinh viên nữ; học sinh, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động do nhà trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (nếu có) và các tổ chức xã hội phát động.
8. Các đối tượng học sinh, sinh viên khác do Hiệu trưởng nhà trường quy định.
Tổ chức hoạt động hỗ trợ, dịch vụ cho học sinh, sinh viên nội trú
Theo dự thảo, nhà trường tổ chức hoạt động hỗ trợ, dịch vụ cho học sinh, sinh viên nội trú gồm:
Tổ chức các dịch vụ trông giữ xe, internet; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động hỗ trợ khác trong khu nội trú phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu chính đáng của học sinh, sinh viên.
Căn cứ điều kiện cụ thể, nhà trường tổ chức nhà ăn, trung tâm dịch vụ, căng tin phục vụ cho học sinh, sinh viên nội trú bảo đảm thuận tiện và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tổ chức các hoạt động tư vấn về tâm lý; công tác phòng cháy, chữa cháy, kĩ năng phòng, chống dịch bệnh, tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên nội trú.
Quy định cụ thể, công khai về lệ phí phòng ở khu nội trú, các dịch vụ khác (nếu có) và có chính sách miễn giảm cho học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách theo quy định.
Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trong khu nội trú
Các nhà trường chủ động phối hợp với Công an xã (phường, thị trấn), các cơ quan thông tin truyền thông và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền về Luật Cư trú cho học sinh, sinh viên; kết nối cơ sở dữ liệu về cư trú của học sinh, sinh viên nội trú phục vụ cho công tác quản lý, theo dõi và cập nhật kịp thời việc thay đổi nơi cư trú của học sinh, sinh viên nội trú; hướng dẫn hỗ trợ cho học sinh, sinh viên làm thủ tục đăng kí tạm trú, gia hạn tạm trú với Công an xã (phường, thị trấn) theo quy định của pháp luật.
Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương xã (phường, thị trấn), các đơn vị liên quan để làm tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trong khu nội trú; giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến học sinh, sinh viên và tổ chức tổng kết công tác học sinh, sinh viên nội trú hằng năm.
Phối hợp với các tổ chức trong trường: Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (nếu có) và các tổ chức đoàn thể khác ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động cho học sinh, sinh viên nội trú, thực hiện nếp sống văn minh trong khu nội trú.
Phối hợp với các cơ sở y tế địa phương tổ chức khám sức khỏe định kì và đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho học sinh, sinh viên trong khu nội trú.
Theo báo Điện tử Chính phủ