Đổi mới phương pháp để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non
Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, nhiều trường đã đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Cô Nguyễn Bích Ngọc – Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Mai (quận Long Biên, Hà Nội) cùng trẻ mầm non. Ảnh NC.
Đa dạng phương pháp
Nhiều năm qua, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ mầm non, Trường Mầm non Không Hinh (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) đã sử dụng nhiều phương pháp để giảng dạy.
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hường – Hiệu trưởng nhà trường: “Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, nhà trường đã có những đổi mới trong giáo dục như linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, tổ chức hoạt động cho trẻ học mà chơi, chơi mà học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục mầm non.
Đặc biệt, các hoạt động trải nghiệm thực tế được tổ chức phong phú với nhiều chủ đề khác nhau. Mục đích nhằm đưa các hoạt động thực tiễn được áp dụng vào giảng dạy thông qua các phương pháp: trò chuyện, đàm thoại, đóng vai, trải nghiệm….
Tương tự, tại Trường mầm non Tân Mai (quận Long Biên, Hà Nội), nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà trường luôn được nhà trường chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, xu thế của xã hội.
Song song với đó, nhà trường đã có những đổi mới trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ trong đó xác định 2 yếu tốt để nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường là cán bộ quản lý và giáo viên.
Cô Nguyễn Bích Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đổi mới tư duy lãnh đạo, tư duy quản trị nhà trường trong đội ngũ cán bộ ban giám hiệu. Đồng thời, xác định việc thay đổi chất lượng giáo dục của nhà trường là tất yếu để phù hợp với xu thế và mong muốn của cha mẹ học sinh hiện nay.
Lựa chọn mục tiêu phù hợp với điều kiện của nhà trường; tạo động lực, mọi điều kiện cho giáo viên trong nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ;
Kế hoạch giáo dục của nhà trường được giáo viên tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận và đi đến thống nhất. Tạo cơ hội và điều kiện cho giáo viên linh hoạt trong tổ chức các hoạt động cho trẻ;
Hỗ trợ giáo viên về mọi mặt để thực hiện tốt các hoạt động trên lớp và ứng dụng các phương pháp giáo dục mới. Đánh giá và đề xuất khen thưởng với giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Cô trò Trường Mầm non Không Hinh (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) trong một hoạt động trải nghiệm. Ảnh NT.
Tăng cường hoạt động thực tiễn
Hiện nay, bên cạnh việc thực hiện chương trình giáo dục, Trường Mầm non Tân Mai đã lựa chọn các nội dung trọng tâm để tạo được đặc trưng riêng trong tổ chức hoạt động cho trẻ nhằm thu hút sự quan tâm của phụ huynh học sinh.
Trong năm học 2023-2024, nhà trường lựa chọn nội dung tổ chức các hoạt động sự kiện cho trẻ tham gia trải nghiệm, giao lưu và giúp trẻ hiểu, có cảm xúc về ý nghĩa của sự kiện đó. Đồng thời kết nối cùng phụ huynh tham gia trong các hoạt động của nhà trường.
Lên kế hoạch tổ chức mục tiêu đã lựa chọn các sự kiện ít nhất 1 tháng/lần và có sự tham gia của phụ huynh; truyền thông các hoạt động của nhà trường trên nền tảng mạng xã hội;
Hỗ trợ, giúp trẻ tạo ra các sản phẩm khác nhau và hiểu được ý nghĩa của hoạt động đó, cảm xúc của trẻ thông qua việc tham gia và trải nghiệm.
Tổ chức các hoạt động giảng dạy hoặc các sự kiện không quá cứng nhắc, theo quy tắc mà chủ động lựa chọn phương pháp, hình thức sao cho phù hợp với khả năng của trẻ ở lớp, điều kiện của trường và quan trọng là hiệu quả và đạt được mục tiêu của hoạt động đối với trẻ là gì.
Đổi mới nội dung sinh hoạt chuyên môn nhằm tạo cơ hội cho giáo viên được trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm trong tổ chức dạy trẻ, tổ chức các sự kiện
Liên hệ với các đơn vị liên kết trên địa bàn để tham gia tổ chức các hoạt động cho trẻ (Ví dụ như: doanh trại quân đội- tìm hiểu công việc, nơi làm việc của chú bộ đội; nhà sách Tân Việt-tổ chức ngày hội sách; ban quản lý đình- tìm hiểu về truyền thống địa phương…).
“Nhờ vậy mà, trẻ được tiếp nhận các kiến thức, kỹ năng một cách thoải mái, nhẹ nhàng, vui tươi; tự do thể hiện, sáng tạo, tự tin, chủ động, tự tin hơn trong giao tiếp, giao lưu với các bạn.
Đặc biệt, theo đánh giá của nhiều phụ huynh trẻ hứng thú và thích đến trường học, mạnh dạn thể hiện tình cảm của mình, biết cảm thông chia sẻ với người khác, trẻ biết thể hiện cảm xúc phù hợp với mọi người xung quanh”, cô Nguyễn Bích Ngọc nói.
“Đối với nhà trường vùng cao điều kiện, dụng giảng dạy và đồ chơi cho trẻ còn hạn chế. Nhà trường đã tái sử dụng lại một số đồ dùng đã hỏng, sử dụng các phế liệu thải hộp nhựa, chai, lọ, bìa…..để làm một số đồ dùng dạy học”, cô Nguyễn Thị Hường – Hiệu trưởng Trường Mầm non Không Hinh. |
Ngô Chuyên / Giáo dục &Thời đại
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/doi-moi-phuong-phap-de-nang-cao-chat-luong-giao-duc-mam-non-post659293.html