Di dời trường đại học ra khỏi nội đô: Chặng đường chưa có hồi kết
Có nhiều nguyên nhân khiến việc di dời một số trường đại học khỏi nội đô diễn ra chậm.
Sinh viên VNU tại Hòa Lạc được trang bị đầy đủ điều kiện học tập, sinh hoạt.
Cách đây chục năm, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Bộ Xây dựng đưa ra đề xuất di dời một số trường đại học khỏi nội đô nhưng đến nay chưa thực hiện được. Thiếu quỹ đất, nguồn lực, cơ chế, quyết tâm… là nguyên nhân chính khiến đề xuất này chậm tiến độ.
Chưa thông việc di dời
Hà Nội hiện có 96 trường đại học, cao đẳng. Sớm nhìn ra áp lực dân cư khu vực này, từ năm 2010 – 2011, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Bộ Xây dựng đã đề xuất di dời 12 trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô. Đến nay, mới có Trường Đại học Y tế Công cộng được di dời, 11 trường còn lại trong danh sách vẫn ở nguyên vị trí.
Chuyện di dời còn nhiều ý kiến, quan điểm. Có người cho rằng, thủ đô các nước vẫn duy trì trường đại học với mật độ và quy mô nhất định (như Paris, Washington, London…).
Ý kiến khác lại đưa ra vai trò dẫn dắt hệ sinh thái phát triển kinh tế – xã hội nên việc duy trì trường đại học tại Thủ đô một cách hợp lý cũng tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Do đó, việc di dời không nên cứng nhắc mà cần nghiên cứu giải pháp hài hòa giữa điều kiện và vai trò của giáo dục đại học trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội Thủ đô.
Thực tế cho thấy, quy hoạch di dời để giảm tải cho trung tâm đô thị một cách hợp lý là việc cần làm. Hiện 4 quận lõi của thành phố Hà Nội có tới 26 trường đại học. Diện tích chật hẹp, trường nội đô không thể đạt tiêu chuẩn bình quân về đất đai. Nhiều trường nội chỉ đạt dưới 1m2/sinh viên; ví như Trường Đại học Luật Hà Nội là 0,7m2/sinh viên; Trường Đại học Xây dựng 0,8m2/sinh viên; Trường Đại học Ngoại thương 1m2/sinh viên.
Để di dời trường đại học khỏi nội đô, TP Hà Nội đã bố trí quỹ đất ở đô thị vệ tinh như Sóc Sơn, Sơn Tây, Gia Lâm, và Hòa Lạc… Quy hoạch chung để di dời cũng đã có nhưng quy hoạch chi tiết thì chưa. Như vậy, đồng nghĩa các trường không có quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư chứ chưa nói đến lộ trình di dời.
Vấn đề đặt ra, để di dời trường đại học ra khỏi nội đô, cần xây dựng khu đô thị đại học đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đồng bộ về cơ sở vật chất và công nghệ; khuôn viên học tập và sinh hoạt được thiết kế hiện đại, thoáng đãng, kết hợp giữa không gian tự nhiên và tiện nghi. Sinh viên cần học tập trong môi trường đủ điều kiện về: Chỗ ở nội trú, học tập, thể dục thể thao, văn hóa, tham gia câu lạc bộ… và đặc biệt phải đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự.
Tuy nhiên, đến nay, theo các chuyên gia, thiếu quỹ đất, nguồn lực, cơ chế là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ di dời trường đại học khỏi nội đô. Trong đó có nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Chủ quan ở chỗ thiếu nguồn lực, khách quan một phần do thiếu quyết tâm của các trường.
Góc học tập của sinh viên Trường ĐH Ngoại thương tại Hà Nội. Ảnh: TG
Người trong cuộc nói gì
TS Trương Tiến Tùng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: Trường nằm trong danh sách di dời 13 năm trước. Nằm trên khu đất nhỏ phố Nguyễn Hiền, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), trường có khuôn viên vô cùng chật chội trong khi quy mô tuyển sinh ngày càng tăng đã ảnh hướng lớn đến hoạt động đào tạo. Để phục vụ cho hoạt động giáo dục hiệu quả, chất lượng, trường phải thuê nhiều địa điểm bên ngoài để dạy học.
“Chúng tôi đồng thuận với chủ trương di dời của thành phố. Nhiều năm nay, nhà trường mong muốn có cơ ngơi đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đào tạo. Nhưng việc thực hiện chưa thể do cấp đất để di dời và nguồn kinh phí xây dựng trường mới vẫn là vấn đề nan giải, và trường không thể tự chủ”, TS Trương Tiến Tùng cho biết.
Quyết tâm lớn trong việc dời khỏi nội đô, năm học 2023 – 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) đưa sinh viên lên học tại Hòa Lạc. Trước tiên, trường di chuyển toàn bộ khối phòng ban chức năng, tiếp đó lựa chọn các ngành học “hot” nhất; ngành có ít sinh viên được “ưu tiên” ở lại nội đô.
Năm học này, hơn 700 sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghệ tới học tập tại cơ sở Hòa Lạc – nơi được mệnh danh thiên đường xanh, đô thị đại học thông minh, hiện đại. Nói như GS.TS Chử Đức Trình – Hiệu trưởng nhà trường, sinh viên năm nhất học tập tại cơ sở Hòa Lạc là bước tiến quan trọng để cung cấp môi trường rèn luyện tốt nhất trong quá trình học tập và phát triển.
Trường Đại học Ngoại thương theo định hướng phát triển sẽ có trụ sở chính tại Hà Nội và phân hiệu, đơn vị tại địa phương khác. PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Được sự đồng ý của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Bắc Ninh, trường chuẩn bị dự án xây dựng cơ sở tại thành phố Từ Sơn trên diện tích 30 ha; cùng đó làm việc với các cơ quan liên quan tại TPHCM, Hà Nội để mở rộng khuôn viên cơ sở II, trụ sở chính Hà Nội.
“Để di dời, chúng tôi phải giải quyết được “bài toán” điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế – xã hội… đáp ứng yêu cầu phát triển và hình thành hệ sinh thái giáo dục hoàn chỉnh. Đặc biệt là nguồn lực tài chính đầu tư khuôn viên, trang thiết bị mới phục vụ đào tạo giáo dục đại học chất lượng của nhà trường”, PGS.TS Bùi Anh Tuấn bày tỏ.
Nhiều nhà giáo dục và quy hoạch đô thị cho rằng, di dời trường đại học ra khỏi nội đô không có nghĩa loại bỏ các trường đại học ở trung tâm, mà tiếp tục giữ lại cơ sở cũ làm nơi đào tạo chất lượng cao, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khởi tạo; khu vực học tập của sinh viên được chuyển lên cơ sở thứ 2.
Dự thảo Quy hoạch Thủ đô đề ra định hướng quy hoạch giáo dục đào tạo trong đó có nội dung: Giãn sự tập trung người học là sinh viên trường đại học bằng việc quy hoạch khu vực, xây dựng cơ sở 2 cho các trường trong nội đô ra khu vực Thành phố Khoa học và Giáo dục – Đào tạo tại Hòa Lạc. Cơ sở ở trung tâm chủ yếu dùng vào chức năng nghiên cứu, đào tạo bậc cao hoặc hình thành trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ…
báo Giáo dục &Thời đại
Nguồn; https://giaoducthoidai.vn/di-doi-truong-dai-hoc-ra-khoi-noi-do-chang-duong-chua-co-hoi-ket-post658087.html