Dạy học hiệu quả với sách giáo khoa mới
Một trong những công việc quan trọng của GV khi quay trở lại trường là nghiên cứu SGK mới, từ đó xây dựng kế hoạch bài dạy hiệu quả…
Giáo viên Trường THPT Tô Hiệu (TP Sơn La, tỉnh Sơn La) lựa chọn sách giáo khoa lớp 12 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa: INT
Đánh giá cao sách giáo khoa mới
Cô Trương Thúy Lê – Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên 2, Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa (Hà Nội) đã dành thời gian đọc từng chương, bài học trong sách giáo khoa mới và nhận thấy trong sách giáo khoa bảo đảm đầy đủ nội dung, yêu cầu cần đạt chương trình đề ra.
Cô cũng xem xét các mục tiêu giáo dục trong sách giáo khoa, tập trung vào kỹ năng, kiến thức học sinh cần đạt; so sánh sách giáo khoa mới với cũ để nhận biết những điểm khác biệt quan trọng về nội dung, phương pháp giảng dạy. Cùng đó, phân tích bài tập, hoạt động trong sách giáo khoa mới để hiểu rõ cách hỗ trợ học sinh trong nắm bắt, áp dụng kiến thức.
Nhà trường chọn bộ sách Kết nối tri thức để giảng dạy, tuy nhiên cô Thúy Lê vẫn tham khảo bộ sách “Cánh diều” và “Chân trời sáng tạo”; đọc thêm tài liệu hướng dẫn dành cho giáo viên để hiểu rõ cách triển khai giảng dạy theo sách mới.
Cô Trương Thúy Lê đánh giá, trong sách giáo khoa mới đã cập nhật những kiến thức khoa học tự nhiên mới nhất, giúp học sinh tiếp cận thông tin chính xác, hiện đại. Bộ sách chú trọng phát triển kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và thực hành thí nghiệm.
Với việc thiết kế nhiều hoạt động nhóm, thảo luận, thí nghiệm, sách giáo khoa giúp học sinh học tập tích cực, tương tác cao. Cùng đó, nhiều phương pháp giảng dạy như học dự án, học qua trải nghiệm thực tế trong sách giáo khoa giúp tăng cường đáng kể hiệu quả học tập.
“Đối với các mảng kiến thức về Hóa học, sách Khoa học tự nhiên 9 có sự tiếp nối kiến thức với sách Khoa học tự nhiên 8 và mở rộng hơn. Nhiều mảng kiến thức giảm tải so với chương trình Hóa học 9 và được thay thế bằng các kiến thức liên quan đến vấn đề thực tiễn.
Phần Sinh học có thêm nội dung về “Tiến hóa”. Các kiến thức sắp xếp lại trình tự tùy theo từng bộ sách, nhưng vẫn bảo đảm đủ nội dung về di truyền, sinh học phân tử tế bào…”, cô Trương Thúy Lê cho hay.
Năm học 2024 – 2025, các lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sẽ học chương trình mới. Ảnh minh họa: INT
Tương tự, Trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên Huế đã hoàn thành lựa chọn sách giáo khoa mới. Chia sẻ của cô Hồ Thị Lệ Hằng – giáo viên Ngữ văn, tổ chuyên môn đã tập trung nghiên cứu, thảo luận, đánh giá và lựa chọn được bộ sách dùng chung cho học sinh khối 12 năm học 2024 – 2025.
Nhìn chung, sách giáo khoa Ngữ văn 12 bám sát chương trình; các bài học được tổ chức theo mô hình đã có ở khối 10, 11; đề cao tính tích hợp, chú trọng hình thành kỹ năng, làm rõ đặc trưng của các thể loại, văn bản văn học…
“Đầu tháng 8, các thành viên Tổ Ngữ văn tham gia tập huấn sách giáo khoa với sự trao đổi, hướng dẫn khá chi tiết của chủ biên. Đây là những gợi ý hữu ích cho việc giảng dạy. Nhà trường đã chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng chương trình dạy học, kế hoạch bài dạy, dạy học chuyên đề, hoạt động giáo dục; nghiên cứu đề minh họa của Bộ GD&ĐT và xây dựng lộ trình ôn tập phù hợp nhất cho từng nhóm học sinh.
Để tổ chức dạy học hiệu quả, mong muốn của đội ngũ là nhận được sự quan tâm của các cấp trong tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy. Phòng chức năng được trang bị thiết bị dạy học hiện đại, phương tiện nghe nhìn để hỗ trợ thêm các hoạt động; sách tham khảo được trang bị nhiều thể loại. Chúng tôi cũng mong Bộ GD&ĐT sớm có thêm đề minh họa để giáo viên tham khảo, học hỏi”, cô Hồ Thị Lệ Hằng bày tỏ.
Giáo viên Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) nghiên cứu sách giáo khoa mới. Ảnh: NTCC
Làm sao để khai thác tốt nhất sách giáo khoa?
Cô Vũ Anh Tú – Phó Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Phenikaa (Hà Nội) cho rằng, nội dung Chương trình, sách giáo khoa mới chú trọng nhiều về phương pháp giảng dạy gắn với hình thành và đánh giá các năng lực học tập cho học sinh; Vì vậy, đòi hỏi giáo viên phải tự trau dồi kiến thức liên quan đến môn học, áp dụng phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo định hướng dạy học phát triển năng lực.
Sở/phòng GD&ĐT đã tổ chức các kỳ kiểm tra đánh giá chung từ những năm học trước để tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh trong nhận thức về đề thi, cách thi theo nội dung mới. Mỗi nhà trường cần có kế hoạch thực hiện đánh giá học sinh định kỳ để có dữ liệu đầy đủ về năng lực học tập, có kế hoạch ôn tập phù hợp, hiệu quả, giúp học sinh sẵn sàng cho các kỳ thi cuối cấp.
Riêng học sinh, đây là lứa được học trọn vẹn một cấp học theo chương trình mới. Với sự đa dạng của các bộ sách giáo khoa, các em cần hình thành cho mình năng lực tự học, tự nghiên cứu, do đề thi có xu hướng mở, sử dụng các ngữ liệu mới, đặc biệt trong các môn khoa học xã hội.
Về công việc giáo viên cần chuẩn bị để khai thác tốt nhất chương trình, sách giáo khoa, cô Nguyễn Thị Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Trường, Thái Thụy (Thái Bình) nhấn mạnh đầu tiên đến việc xây dựng kế hoạch giáo dục và bài dạy.
Theo đó, thầy cô phải nắm chắc chương trình môn học (trong đó chú trọng yêu cầu cần đạt và thời lượng các phần trong chương trình, trình tự các phần, chủ đề và tiến trình bài học trong sách giáo khoa, dung lượng mỗi bài học) để xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, bài dạy một cách chủ động, khoa học, hợp lý, khả thi.
Trên cơ sở phân công chuyên môn của nhà trường và trao đổi thảo luận với đồng nghiệp, tổ chuyên môn tìm ra phương án khai thác tốt nhất chương trình, sách giáo khoa đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện nhà trường, địa phương. Chú ý sự hợp lý với môn học của khối 6, 7, 8 chung của toàn trường.
“Do thiết bị dạy học được cấp chưa theo kịp chương trình, nội dung giảng dạy, nên giáo viên cần tích cực sưu tầm, sử dụng học liệu điện tử, thí nghiệm ảo… Mặt khác, tận dụng điều kiện thực tế ở địa phương, nhà trường để sử dụng các thiết bị dạy học tự làm, đồ dùng do giáo viên, học sinh tự chuẩn bị được.
Trong quá trình dạy cần tăng cường áp dụng đổi mới phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Giáo viên cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng tốt máy tính và thiết bị công nghệ khác, phần mềm trong quá trình dạy học”, cô Nguyễn Thị Hương lưu ý.
Sở GD&ĐT yêu cầu cơ sở giáo dục tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn ngay từ đầu năm để nghiên cứu nội dung Chương trình GDPT 2018, thảo luận, trao đổi, thống nhất trong việc tổ chức dạy học sách giáo khoa mới đạt hiệu quả; đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Chương trình, sách giáo khoa mới và có giải pháp cụ thể để hoàn thành chu trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong năm học 2024 – 2025. – Ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế.
Hải Bình