Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cần lưu ý điều gì?
Thời điểm này, nhiều nội dung chuẩn bị cho đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được các nhà trường triển khai.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM ngày 7/4. Ảnh: Mạnh Tùng
Để bảo đảm tốt nhất quyền lợi thí sinh, việc này dù quen thuộc nhưng vẫn được thực hiện bài bản, cẩn trọng, đặc biệt liên quan đến dữ liệu và lựa chọn bài thi tổ hợp.
Chủ động chuẩn bị
Theo ông Bùi Minh Nhựt – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, sau ngày 31/5/2024, Bộ GD&ĐT sẽ đồng bộ thông tin của học sinh trên Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành sang Hệ thống Quản lý thi, Hệ thống Hỗ trợ tuyển sinh chung. Do đó, Sở GD&ĐT Bến Tre đã đề nghị các đơn vị rà soát, cập nhật thông tin kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trên Hệ thống.
Cụ thể, cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân của học sinh: Họ và tên, ngày sinh, giới tính, dân tộc, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/số hộ chiếu (đối với học sinh không có quốc tịch Việt Nam), nơi thường trú, hoàn thành trước 17 giờ ngày 15/4.
Điểm tổng kết từng môn học, điểm tổng kết, xếp loại học lực, hạnh kiểm từng học kỳ và cả năm của các năm học lớp 10, 11, học kỳ I lớp 12 cũng hoàn thành cập nhật trước 17 giờ ngày 15/4. Riêng điểm tổng kết từng môn học, điểm tổng kết, xếp loại học lực, hạnh kiểm của học kỳ II và cả năm lớp 12 hoàn thành trước 17 giờ ngày 31/5.
Sở GD&ĐT cũng nhấn mạnh việc hướng dẫn và yêu cầu thí sinh đăng nhập Hệ thống để kiểm tra, nếu phát hiện có sai sót thì báo ngay cho cơ sở giáo dục để điều chỉnh. Thủ trưởng các đơn vị thực hiện rà soát, kiểm tra dữ liệu cập nhật của các cơ sở giáo dục đảm bảo đầy đủ và chính xác, đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác thông tin của học sinh trên Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành và Hệ thống Quản lý thi, Hệ thống Hỗ trợ tuyển sinh chung.
Tại Trường THPT Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trung Thành cho biết, chuẩn bị cho công tác đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch; phân công lãnh đạo và cán bộ phụ trách.
Học sinh được hướng dẫn chuẩn bị các hồ sơ, tự kiểm tra thông tin sơ bộ. Bộ phận tuyển sinh tập hợp hồ sơ, rà soát, kiểm tra để bảo đảm khớp các thông tin, dữ liệu; sau đó tiến hành làm sạch dữ liệu và đồng bộ dữ liệu này với phần mềm tuyển sinh. Việc rà soát, làm chuẩn dữ liệu được nhà trường tiếp tục thực hiện từ nay đến trước đăng ký dự thi.
“Về bài thi tổ hợp, cơ bản học sinh nhà trường lựa chọn từ năm lớp 11; một số em thay đổi lựa chọn ở đầu năm 12. Hiện, trong số 176 học sinh lớp 12 có đến 90% chọn tổ hợp Khoa học xã hội, chỉ 10% chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên; khoảng từ 60 – 70% học sinh dự thi với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng”, thầy Nguyễn Trung Thành chia sẻ.
Tương tự, Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vũng Liêm, Vĩnh Long) cũng triển khai khá nhiều việc để sẵn sàng cho công tác đăng ký dự thi. Chia sẻ của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Diễm Trang, nhà trường đã hoàn thiện thông tin học sinh trên cơ sở dữ liệu ngành; cho đăng ký dự thi chọn tổ hợp, theo đó, có 202 học sinh chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên, 214 học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thành lập Tổ tư vấn và hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi, gồm 21 thành viên; trong đó có ban giám hiệu, cán bộ công nghệ thông tin, giáo viên dạy hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm 12 và tổ nhập liệu. Tổ sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ học sinh, đặc biệt trong tư vấn lựa chọn bài thi, chọn trường, ngành tuyển sinh.
“Nhiệm vụ của Tổ tư vấn là cung cấp thông tin cơ bản về quy trình đăng ký dự thi, các điều kiện và yêu cầu cần thiết cho việc dự thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm học sinh hiểu rõ về quy định và các thủ tục liên quan. Thầy cô trong tổ cũng hỗ trợ các em điền đơn đăng ký; tư vấn chọn môn thi; hướng dẫn về thời gian, địa điểm thi; tư vấn về chuẩn bị thi; hỗ trợ tâm lý…”, cô Nguyễn Thị Diễm Trang cho hay.
Hiếu Nguyễn