Đại học Quốc gia Hà Nội tiên phong trong nghiên cứu, đề xuất đường lối của Đảng
Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định là trung tâm đào tạo, nghiên cứu lý luận chính trị, đề xuất, hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng.
Đại học Quốc gia Hà Nội tiên phong trong nghiên cứu, đề xuất đường lối của Đảng.
Vị thế hàng đầu tư vấn, xây dựng chính sách
Theo Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân, ĐHQGHN là một tổ hợp gồm 9 trường đại học thành viên, 2 trường và 2 khoa trực thuộc, 6 viện nghiên cứu và các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, các đơn vị phục vụ và chuyển giao tri thức, hiện đã cơ bản hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Với truyền thống gần 50 năm liên tục tham gia đào tạo, nghiên cứu lý luận chính trị cũng là những thế mạnh của ĐHQGHN, trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị, nâng tầm tư duy lý luận của Đảng.
“Nhiều nhà khoa học uy tín của ĐHQGHN đã tham gia, tổng kết thực tiễn, cung cấp kịp thời những thông tin nghiên cứu là cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là cần thiết. ĐHQGHN tự hào có những đóng góp tạo dựng nền tảng khoa học lý luận của Đảng một cách vững chắc để Đảng chỉ đạo, dẫn dắt đất nước trên chặng đường phát triển mới, như Nghị quyết Đại hội 8 đã chỉ ra” – Giám đốc Lê Quân đặc biệt nhấn mạnh.
GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên TW Đảng, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy ĐHQGHN đánh giá, ĐHQGHN là đơn vị có tiềm năng lớn về nghiên cứu lý luận chính trị, với nền tảng văn hóa rất rộng và sâu, trong đó có các ngành văn học, lịch sử, nhân học, khoa học quản lý… là nền tảng, bệ đỡ cho lĩnh vực chính trị học; ĐHQGHN cần phát huy, kết nối các đầu mối trong các lĩnh vực với nhau. Đảng và Nhà nước cần có cơ chế thiết thực để phát huy được thế mạnh của khoa học liên ngành, toàn diện trong ĐHQGHN.
Vị thế dẫn đầu của ĐHQGHN ngày càng được khẳng định trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và đầu tư phát triển.
Khẳng định điều này, GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy Ban Giáo dục và Văn hóa của Quốc hội, nguyên Giám đốc ĐHQGHN và GS.TS Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo Chất lượng, nguyên Giám đốc ĐHQGHN cùng cho rằng, trong thời gian tới, dựa trên những tiềm năng, lợi thế của ĐHQGHN cần có chính sách mạnh và hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy nhà các nhà khoa học phát huy các lợi thế liên ngành, liên lĩnh vực của ĐHQGHN để tham gia các hoạt động nghiên cứu, tham mưu tư vấn chính sách cho Đảng và nhà nước nhằm giải quyết các bài toán lớn mang tính quốc gia.
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đào tạo ĐHQGHN chia sẻ, Hội đồng lý luận Trung ương và ĐHQGHN nên đặt các bài toán cần giải quyết một cách cụ thể, thực chất như đầu tư nâng tầm quốc tế cho các tạp chí khoa học của ĐHQGHN nói riêng và của Việt Nam nói chung, tạo điều kiện cho các nhà khoa học có nhiều cơ hội phát huy khả năng thế mạnh nghiên cứu của mình. Việc dạy các bộ môn chính trị học hiện nay cần có sự đổi mới về phương pháp và cách tiếp cận. ĐHQGHN sẵn sàng xây dựng chương trình đào tạo thí điểm về chính trị để tiếp cận người học một cách hiệu quả.
Yêu cầu và nhiệm vụ mới
Đặt ra yêu cầu với ĐHQGHN, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng: ĐHQGHN cần đánh giá kết quả và tác động của những công trình nghiên cứu khoa học nhất là các nghiên cứu liên ngành, báo cáo kiến nghị, dự báo tình hình, tham mưu tư vấn chính sách lớn cho Đảng và Nhà nước mà ĐHQGHN đã đảm nhận như một sứ mạng cần thực hiện. Cần đề xuất cơ chế phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan liên quan của Đảng để tổ chức các hội thảo, hội nghị, báo cáo chuyên đề nhằm đóng góp cho sự phát triển của đất nước cũng như các đường lối, chính sách mang tính chiến lược của Đảng.
GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên TW Đảng, khẳng định thế mạnh của ĐHQGHN trong nghiên cứu lý luận chính trị.
“Trong thời gian tới, ĐHQGHN cần tăng cường kết nối, hình thành một số nhóm nghiên cứu chuyên sâu mạnh, các nhóm nghiên cứu liên ngành về mọi lĩnh vực hàng đầu và tiêu biểu của Việt Nam. ĐHQGHN cần tập trung nghiên cứu tư vấn, phản biện các chính sách liên quan chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, năng lượng mới thích ứng với biến đổi khí hậu; vấn đề dân tộc, tôn giáo trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, cần xem việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị” – Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng chỉ đạo.
Quan điểm trên cũng được ông Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đồng tình và cho rằng: Từ trước đến nay, ĐHQGHN và Hội đồng lý luận Trung ương có quan hệ công tác hết sức mật thiết và hiệu quả, các đề tài nghiên cứu của hội đồng đều có sự vào cuộc của các nhà khoa học của ĐHQGHN. ĐHQGHN cũng là nguồn nhân lực vô cùng lớn trực tiếp tham gia các hoạt động của Hội đồng. Nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa này, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, thành viên Hội đồng ĐHQGHN nhấn mạnh ĐHQGHN phải là cánh tay nối dài của Hội đồng lý luận Trung ương, đặc biệt là lĩnh vực tuyên giáo.
Ông Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, đánh giá cao kết quả hoạt động của ĐHQGHN trong thời gian qua, đặc biệt là tiềm lực nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước và quốc tế. Trong thời gian tới, Văn phòng Trung ương Đảng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học của ĐHQGHN có nhiều tham mưu, góp ý hơn nữa trong các Nghị quyết và đường hướng phát triển mang tính chiến lược của Đảng. Quan điểm chỉ đạo ĐHQGHN được Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân nhấn mạnh: Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn và thiết thực hơn giữa ĐHQGHN và Hội đồng lý luận Trung ương cùng các cơ quan của Đảng thời gian tới đây.