Đại biểu Quốc hội ghi nhận Chương trình GD phổ thông 2018 có nhiều ưu việt
Sau thời gian triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên và học sinh đánh giá, đây là chương trình có nhiều tính ưu việt.
Đại biểu Trần Đình Gia.
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006, giáo viên và học sinh nhận xét Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều ưu việt.
Theo nhận xét của nhiều giáo viên, chương trình giáo dục lần này thể hiện tính toàn diện, cơ bản, thiết thực, hiện đại, đảm bảo giáo dục đức, thể, mỹ, chú trọng thực hành và vận dụng kiến thức vào cuộc sống, phát huy vai trò chủ động và tiềm năng của học sinh. Tuy nhiên, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, vẫn còn một số bất cập. Quá trình triển khai chương trình, ngân sách Trung ương không bố trí để mua sắm cơ sở vật chất và đồ dùng dạy học.
Nội dung này giao cho ngân sách địa phương nhưng ngân sách địa phương rất khó khăn, cùng với những vướng mắc trong thủ tục đấu thầu, mua sắm đầu tư công. Đến nay nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng, ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình này.
Ngoài việc mua sắm cơ sở vật chất, thì đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng còn nhiều khó khăn, dù ngành Giáo dục đã nỗ lực rất lớn trong việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hoạt động trải nghiệm đọc trong không gian văn hóa Huế mang đến nhiều điều lý thú cho học sinh.
Cũng theo đại biểu Trần Đình Gia, với giáo viên hiện có, họ không có thời gian, kinh phí và không đủ năng lực để tiếp thu lượng kiến thức mới và rộng trong thời gian ngắn để đủ điều kiện dạy chương trình này.
Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên, đến nay việc đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp vẫn khó khăn. Vì thế, cơ bản các cơ sở giáo dục cũng tiến hành chia lẻ các môn tích hợp để dạy riêng như chương trình cũ.
Đối với các môn tự chọn cũng như các môn năng khiếu, số lượng giáo viên cũng rất ít. Có những môn nhiều học sinh lựa chọn thì không có giáo viên hoặc ít giáo viên, không đủ. Có những môn có giáo viên thì lại không có học sinh lựa chọn. Đó là những khó khăn, bất cập.
Đối với khối tiểu học, đại biểu Trần Đình Gia nhìn nhận, thời gian gần đây số lượng học sinh bước vào cấp tiểu học rất lớn. “Biên chế” là 35 học sinh/lớp, trong khi khối THCS, THPT là 45 em/lớp. Việc tuyển dụng giáo viên rất khó khăn, đặc biệt là giáo viên môn Tin học và Ngoại ngữ. Đây cũng là khó khăn ở cấp tiểu học mà nhiều địa phương gặp phải.
Đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, dạy thêm, học thêm là yêu cầu khách quan của xã hội nếu được quản lý, hướng dẫn một cách có hiệu quả, tuy nhiên một số trường hợp lạm dụng việc này làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành. “Do đó, ngành Giáo dục cần sớm có văn bản hướng dẫn việc tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường” – đại biểu Trần Đình Gia đề xuất.
Minh Phong (ghi)