Còn 99 trường/điểm trường chưa thể dạy học sau bão lũ

Theo báo cáo của địa phương, đến nay còn 99 trường/điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết.

Thầy, trò Trung tâm HN&GDTX tỉnh Quảng Ninh dọn dẹp cơ sở vật bị hỏng do do bão gây ra. Ảnh Minh Cương.

Ngành Giáo dục thiệt hại nặng nề

Cơn bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đối với nhiều tỉnh Miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, ngành Giáo dục cũng chịu thiệt hại rất nặng nề. Có giáo viên, học sinh bị tử vong và mất tích; nhiều công trình trường học bị sập, đổ, tốc mái; thiết bị dạy học, bàn ghế, sách vở bị nước cuốn trôi, hư hỏng nặng.

Bộ GD&ĐT cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến nay, có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích.

Do mưa to và gió lớn nên nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái, nhiều công trình bị sập, đổ, vỡ kính; thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục khẩn trương tập trung rà soát, đánh giá thiệt hại, tổng hợp báo cáo để đề xuất các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả.

Hiện các địa phương đang trong quá trình thống kê chi tiết thiệt hại về phòng học và trang thiết bị dạy học.

Theo báo cáo ban đầu, nhiều trường bị ngập nước sâu, rất nhiều máy tính, thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế học sinh bị hư hỏng nặng, khó khắc phục, sửa chữa.

Ở nhiều tỉnh/thành phố, sách giáo khoa của học sinh bị cuốn trôi hoặc hư hỏng, không thể sử dụng được.

Theo thống kê mới nhất, riêng tỉnh Yên Bái, có gần 20 nghìn học sinh bị mất, hỏng sách giáo khoa, và kinh phí cần có để mua sách giáo khoa ước tính trên 9 tỷ đồng.

Theo báo cáo từ 23/27 tỉnh, thành phố, nước đang rút dần và các cơ sở giáo dục huy động toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh, lực lượng quân đội, công an địa phương dọn dẹp, vệ sinh, khử trùng trường lớp để tổ chức dạy học lại vào thứ Hai ngày 16/9/2024.

Tuy nhiên, còn 99 trường/điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết, gồm có: Lào Cai (83 trường/điểm trường), Cao Bằng (1 trường), Bắc Kạn (3 trường), Tuyên Quang (1 trường), Yên Bái (3 trường), Bắc Giang (8 trường).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi thăm học sinh thôn Làng Nủ bị thương đang điều trị tại Bệnh viện huyện Bảo Yên.

Công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả

Ngày 9/9/2024, Bộ GD&ĐT ban hành công văn số 5212/BGD&ĐT-GDTrH gửi các Sở GD&ĐT, các Nhà xuất bản chỉ đạo bảo đảm cung ứng sách giáo khoa cho các địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 3.

Ngày 10/9/2024, Bộ GD&ĐT có Công điện số 1200/CĐ-BGD&ĐT về việc chỉ đạo công tác khắc phục sau bão số 3 (Yagi), yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 3 (Yagi).

Công điện chỉ đạo vệ sinh trường lớp, sửa chữa cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Đồng thời, các địa phương cần cung cấp nhu yếu phẩm, hỗ trợ tâm lý và lên kế hoạch dạy bù hoặc dạy học từ xa. Báo cáo kết quả khắc phục thiệt hại phải gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 15/9/2024.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT tham gia các đoàn công tác của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân.

Ngày 12/9/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 2482/QĐ-BGD&ĐT về việc thành lập Tổ công tác cứu trợ bão lũ tại một số tỉnh bị thiệt hại, để điều phối hỗ trợ nguồn vận động tài trợ cho các địa phương.

Trong hai ngày 14-15/9/2024, Bộ GD&ĐT tổ chức 3 đoàn công tác do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác khắc phục hậu quả và tặng quà từ nguồn vận động tài trợ cho các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn.

Chung tay hỗ trợ ngành Giáo dục bị thiệt hại

Ngày 11/9/2024, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3, kết quả ban đầu tiếp nhận được hơn 8 tỷ đồng tiền mặt và 3,5 tỷ đồng bằng hiện vật (dụng cụ học tập, vở viết).

Ngày 13/9/2024, Bộ GD&ĐT họp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam) và các tổ chức quốc tế: Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Plan International, Tổ chức Hành động vì giáo dục (AEA)…

Các tổ chức cam kết vận động để hỗ trợ ngành Giáo dục tối thiểu 4,05 triệu Đô la Mỹ để hỗ trợ thực phẩm đồ uống, sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các nhà xuất bản đã tích cực hỗ trợ học sinh vùng lũ: đã tặng 2.000 bộ sách; huy động tồn kho 12,5 triệu bản sách; đề xuất in bổ sung 10 triệu bản; ủng hộ chuyển tới Công đoàn Giáo dục Việt Nam 719 triệu đồng; huy động đóng góp từ lương chuyển tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 124 triệu đồng

Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam vẫn tiếp tục kêu gọi, vận động tài trợ để hỗ trợ cho học sinh.

Bộ GD&ĐT đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi phân bổ quyên góp ủng hộ, ưu tiên kinh phí cho ngành Giáo dục để kịp thời sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hại, mua sắm thiết bị đồ dùng cho học sinh, sinh viên, góp phần đảm bảo các điều kiện học tập để các em sớm trở lại trường học. Đồng thời, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ở các địa phương bị thiệt hại do bão gây ra.

Hình ảnh Trường THCS Hoàng Diệu, quận Lê Chân (Hải Phòng) sau bão. Ảnh: Nguyễn Dịu.

Đề xuất giải pháp sớm ổn định hoạt động giáo dục

Bộ GD&ĐT đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục hậu quả, sớm ổn định lại hoạt động giáo dục tại các địa phương chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 như sau:

Thứ nhất, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên. Ngành giáo dục đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp ứng phó và khắc phục nhằm ổn định lại hoạt động dạy và học tại các địa phương bị ảnh hưởng do bão, chỉ cho học sinh đến trường khi bảo đảm an toàn.

Thứ hai, cung ứng sách giáo khoa và thiết bị dạy học.Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản sẵn sàng nguồn cung ứng sách giáo khoa tới các địa phương bị ảnh hưởng do bão, đảm bảo việc học tập không bị gián đoạn. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà xuất bản, tổ chức và cá nhân để tài trợ sách giáo khoa cho học sinh​.

Thứ ba, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học. Các địa phương tiếp tục khẩn trương tập trung rà soát, đánh giá thiệt hại, tổng hợp báo cáo để đề xuất các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả.

Thứ tư, kế hoạch dạy bù.Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với thực tiễn của địa phương bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong trường hợp ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh; quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai; đối với các trường hợp đặc biệt phát sinh, báo cáo Bộ GD&ĐT trước khi thực hiện.

Thứ năm, hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, trẻ em. Đối với những gia đình giáo viên và học sinh có người tử vong, mất tích hoặc bị thương, tiếp tục triển khai mức hỗ trợ tài chính tùy theo mức độ thiệt hại. Giáo viên tử vong được hỗ trợ 30 triệu đồng/gia đình, học sinh và trẻ mầm non tử vong nhận hỗ trợ 10 triệu đồng/gia đình​.

Thiệt hại về cơ sở vật chất của các địa phương

 

(tính tới ngày 14/9/2024)

 

Hà Nội: 3.580m tường rào bị đổ; 457 phòng học tốc mái, 719 nhà xe hư hỏng.Bắc Giang: 3.264m2 mái tôn bị hỏng; 331m tường rào bị đổ; 8 công trường đổ sập.

 

Cao Bằng: Nguy cơ sạt lở rất cao tại các trường mầm non, phổ thông huyện Bảo Lộc, Bảo Lạc;Tuyên Quang: 33 trường học bị ngập nước, sạt lở đất (14 trường mầm non; 7 trường tiểu học; 7 trường THCS; 5 trường THPT).

 

Bắc Kạn: 39 trường học bị ảnh hưởng nặng nề do ngập úng, sạt lở (huyện Ba Bể: 8; huyện Chợ Đồn: 9; huyện Chợ Mới: 5; huyện Pác Nặm: 8; huyện Na Rì: 7; huyện Bạch Thông: 2); 69 nhà của viên chức bị ngập lụt, sạt lở đất tràn vào nhà, sập tường rào.

 

Lạng Sơn: 78 trường học các cấp bị ngập úng; 118/650 trường học bị thiệt hại (đổ tường bao, cổng trường, biển trường, cây xanh, tốc mái, vỡ cửa kính, hư hỏng thiết bị dạy học…).

 

Quảng Ninh: tốc mái 7.630 m2 nhà trong trường học, sập trần 110 phòng, Đổ tường rào 375m, sập 6.480m2 nhà để xe… thiệt hại chưa thể thống kê được.

 

Lào Cai: 10 trường THPT bị ảnh hưởng do sạt lở và ngập lụt; 7 đơn vị trường tại huyện Bát Xát, 6 đơn vị trường tại huyện Văn Bàn, 13 đơn vị trường tại huyện Bắc Hà, 9 đơn vị trường tại huyện Si Ma Cai, 4 đơn vị trường tại thị xã Sa Pa, 7 đơn vị trường tại huyện Bảo Yên, 3 trường tại huyện Bảo Thắng, 10 đơn vị trường tại huyện Mường Khương bị ảnh hưởng do sạt lở taluy và ngập lụt.

 

Yên Bái: 27 trường bị ngập lụt, 59 trường bị sạt lở và hư hỏng công trình.

 

Hải Dương: 90% số trường học có phòng bị tốc mái tôn, tường bao sụp đổ, thiệt hại chưa thể tính toán được.

 

Hải Phòng là địa phương có thiệt hại rất lớn, hiện tại chưa thể tính toán được mức độ cụ thể bằng tiền, làm đình trệ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động dạy và học của địa phương. Cụ thể:

 

Về phòng học: 1.670 phòng có thể sửa chữa, khắc phục ngay; 1.017 phòng phải tiến hành sửa chữa lớn.

 

Về phòng học bộ môn: 273 phòng có thể sửa chữa, khắc phục ngay, 96 phòng phải tiến hành sửa chữa lớn.

 

Công trình phụ trợ không thể sử dụng (nhà xe, phòng y tế, khu vệ sinh): 732 phòng (tỷ lệ: 732/6.800 = 10,8%), trong đó: nhà xe: 328, phòng y tế: 37, khu vệ sinh: 367.

 

Khối phòng hỗ trợ học tập: 86 phòng không thể sử dụng (tỷ lệ: 86/1.725 = 4,99%).Khối phòng sinh hoạt (nhà bếp, nhà ăn) không thể sử dụng: 65 (tỷ lệ: 65/462 = 10,1%), trong đó: nhà bếp: 31, nhà ăn: 34.

Hải Bình

16 Tháng Chín, 2024 | 15:51