Cơ hội, thách thức để Hà Nội phát triển lên tầm cao mới
Luật Thủ đô là cơ hội, là thách thức, là lợi thế để Hà Nội phát triển vươn lên tầm cao mới, vị thế mới của cả nước, khu vực và cả thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chiều 25/7.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ điều này tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chiều 25/7.
Nội dung buổi làm việc về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội và việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tại cuộc làm việc, qua nghe báo cáo của Thành ủy và ý kiến thảo luận của các đại biểu dự họp, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với nhiều nội dung.
Cụ thể, Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cụ thể hóa được 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội quyết định khi đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Theo đó, nội dung và phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi sẽ rộng hơn so với Luật hiện hành để quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô; tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các cơ chế đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; cơ chế tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.
Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành để áp dụng riêng cho Thủ đô. Nhấn mạnh điều này, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc quy định những cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô chỉ nên đặt ra khi chứng minh được tính đúng đắn, hợp lý, hiệu quả và khả thi, khi mà bằng các quy định trong các luật hiện hành không thể giải quyết được hoặc chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Qua thảo luận, cho ý kiến, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, một số bộ, ngành đều thống nhất cho rằng, các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô có thể khác với các luật hiện hành về cùng một nội dung, lĩnh vực, nhưng phải trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và phù hợp chủ trương của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội và nhiều đại biểu cùng bày tỏ quan tâm vấn đề phải xử lý tốt mối quan hệ giữa việc áp dụng Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành được Quốc hội ban hành sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực để bảo đảm duy trì hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô.
“Luật Thủ đô phải tạo cơ sở pháp lý để giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ…”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Liên quan đến vấn đề di dời các cơ sở giáo dục ra khỏi nội đô, phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ GD&ĐT đã có một số cuộc làm việc với Thành ủy Hà Nội trong tiến hành quy hoạch sắp xếp mạng lưới các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Thủ đô, thực hiện chủ trương di dời các cơ sở giáo dục ĐH ra khỏi trung tâm thành phố.
Bộ trưởng mong thành phố Hà Nội, trong xác định một số khu vực như Xuân Mai, Hòa Lạc, Đông Anh, Sóc Sơn, sớm thêm một bước cụ thể hóa khu vực này để sắp xếp đất sạch cho các trường di dời. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp thúc đẩy.
Bộ trưởng nhận định, Hà Nội có số lượng học sinh, sinh viên chiếm khoảng 1/8 số học sinh, sinh viên cả nước; người dân dân trí cao nên nhu cầu không chỉ là chỗ học, mà phải là chỗ học tốt. Do đó, áp lực với ngành Giáo dục Hà Nội rất lớn.
Chia sẻ với áp lực trong lĩnh vực giáo dục của Thành phố, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời mong muốn Hà Nội đã quan tâm về kinh phí, phát triển thêm trường học, chỗ học, mong sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm đến khối ngoài công lập, cả tạo điều kiện về đất đai, thủ tục, cũng như quan tâm trong quản lý, giám sát; tìm giải pháp để khắc phục việc thiếu giáo viên (con số thiếu là trên 10 nghìn theo báo cáo của Sở GD&ĐT).
Là thành phố ngàn năm văn hiến, Bộ trưởng mong Thủ đô phát huy lợi thế này, mẫu mực đi đầu trong xây dựng văn hóa học đường, phòng chống bạo lực học đường – một công việc rất quan trọng của ngành Giáo dục.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng trao đổi, trả lời một số kiến nghị của Hà Nội về giáo dục-đào tạo, liên quan đến nâng tầng, tăng quy mô cơ sở giáo dục, quy mô xây dựng, tính diện tích sàn thay cho diện tích đất; về tiêu chí để xây dựng phát triển 7 trường liên cấp chất lượng cao; tuyển sinh vào lớp 10…
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-thach-thuc-de-ha-noi-phat-trien-len-tam-cao-moi-post648090.html