Chuyến biến tích cực GD-ĐT sau 10 năm đổi mới
10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29) mang lại thành quả to lớn.
Trải nghiệm ẩm thực của trẻ Trường Mầm non Liên Hồng (Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: Website trường
Từ những thành quả đạt được sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29), các chuyên gia, đại biểu Quốc hội thẳng thắn nêu lên vấn đề căn cốt cần lưu ý thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương: Bước chuyển biến căn bản về chất và lượng
Bà Nguyễn Thị Việt Nga
Về xếp hạng quốc tế theo nhóm ngành, tới năm 2022, bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo nhóm ngành năm 2023 của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), có 11 ngành đào tạo tại 6 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được xếp hạng trong tốp 51 – 630 tốt nhất thế giới.
Trong đó, kết quả tập trung nhiều tại top 351 – 500, ngành Kỹ thuật có 5 nhóm ngành được xếp hạng thuộc 4 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Đó là minh chứng sinh động cho sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Giáo dục thời gian qua.
Cũng giai đoạn này, Bộ GD&ĐT xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới và tích cực chuẩn bị điều kiện triển khai theo lộ trình quy định. Lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng bài bản, tiếp cận quốc tế, theo quy trình chặt chẽ từ chương trình tổng thể đến môn học ở các cấp, lớp học.
Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành cuối năm 2018 được kỳ vọng giải quyết căn bản hạn chế chương trình hiện hành, trong đó đặc biệt là cách tiếp cận chuyển từ phương thức truyền đạt kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Để thực hiện tốt chương trình mới, Bộ GD&ĐT chủ động, tích cực phối hợp với địa phương chuẩn bị các điều kiện bảo đảm như: Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng phương án dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học.
Chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nhằm khuyến khích sự sáng tạo trong dạy và học của giáo viên thành công bước đầu. Bộ GD&ĐT đã ban hành hệ thống văn bản để tổ chức biên soạn sách giáo khoa phục vụ triển khai chương trình mới như quy định về tiêu chuẩn, quy trình, chỉnh sửa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định, thúc đẩy xã hội hóa biên soạn sách. Chính sách này phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng. Đây là tiền đề, bước tiến quan trọng trong đổi mới dạy và học phổ thông.
Cô – trò Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: NTCC
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, một số phong trào thi đua hiệu quả chưa cao, mang tính hình thức, nội dung thiếu đa dạng. Qua theo dõi cho thấy, hầu hết cơ sở giáo dục không có tổ hợp môn học và chuyên đề học tập lựa chọn có môn Âm nhạc, Mĩ thuật do chưa có giáo viên. Việc chuyển đổi môn học hoặc chuyển trường đối với học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khó khăn hơn so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Còn một số cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lồng ghép bán sách giáo khoa kèm sách tham khảo, gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội. Nhiều xuất bản phẩm sử dụng không phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng trường học chưa đủ điều kiện mua sắm thay thế, bổ sung; cơ sở vật chất, thư viện và đặc biệt hệ thống máy tính phục vụ còn bất cập.
Nhiều địa phương chưa tổ chức in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương. Việc tổ chức dạy học môn tích hợp ở trường THCS còn khó khăn, giáo viên lúng túng, nhà trường loay hoay dẫn đến chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Phân tích nêu trên là vấn đề căn cốt, khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 Bộ GD&ĐT cần nhìn nhận thấu đáo để phát huy những kết quả đạt được và sớm khắc phục khó khăn, hạn chế. Tôi hy vọng, giai đoạn tiếp theo khi thực hiện Nghị quyết 29, ngành Giáo dục gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
Bà Hồ Thị Minh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị: Thay đổi tích cực giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Bà Hồ Thị Minh
Học sinh vùng cao được các nhà tài trợ tặng xe đạp. Ảnh: Thịnh Phong
Các chế độ, chính sách của học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học thực hiện theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo: Hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.
Song song với nhiệm vụ phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, trường dự bị đại học, các địa phương đã chú trọng củng cố, phát triển hệ thống cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, đảm bảo đủ trường mầm non, tiểu học, THCS ở các xã, liên xã, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của trẻ em, học sinh.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên và học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trẻ em và học sinh vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bao gồm trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, có học sinh bán trú và dự bị đại học được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu dạy học. Số và chất lượng giáo viên thấp, cơ cấu chưa phù hợp.
Bộ GD&ĐT vinh danh khen thưởng học sinh đoạt giải các kỳ Olympic và khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022. Ảnh: Thế Đại
Chính sách hỗ trợ người dạy, học còn thấp, chưa phù hợp với thực tiễn. Chất lượng học tập của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt khó khăn còn thấp. Tỷ lệ học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo cao, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nên việc duy trì chuyên cần và sĩ số học sinh trong các cơ sở giáo dục gặp khó khăn. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở trường phổ thông dân tộc bán trú thấp, kỹ năng sống (giao tiếp, tự bảo vệ, tự quản) và năng lực tự học của học sinh bán trú hạn chế.
“Thời gian tới, tôi mong Bộ GD&ĐT, các cấp, ngành tiếp tục nghiên cứu, tạo chuyển biến tích cực từ công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo. Trong đó, cần quan tâm đến trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú, trường dự bị đại học, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn”.
Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang: Rút ra nhiều bài học kinh nghiệm
Bà Trần Thị Ngọc Diễm
Qua 10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW, công tác đổi mới giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh An Giang đã căn bản đáp ứng tốt công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhu cầu học tập của nhân dân.
Công tác đổi mới giáo dục và đào tạo chuyển biến, từng bước xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp gắn với phong trào thi đua dạy, học, quản lý tốt; đa dạng hình thức giáo dục gắn với học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; từng bước đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực để nâng cao chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống giáo dục và đào tạo.
Các mục tiêu giáo dục mầm non của tỉnh An Giang cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 79,96% (chỉ tiêu 70%); riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt 100% (chỉ tiêu 99%); cơ bản đảm bảo học 2 buổi/ngày. Đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ huy động học tiểu học đạt 100%; THCS đạt 93,86% (chỉ tiêu 80%); THPT đạt 67,74% (chỉ tiêu 50%).
Tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, THCS mức độ 2, tiến tới phổ cập trung học bền vững. Triển khai có hiệu quả Đề án Xóa mù chữ: 11/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 7/11 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Riêng việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đáp ứng đủ điều kiện để triển khai tốt các nội dung. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ không được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ thiếu đồng đều, một bộ phận chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.
Từ thực tiễn Nghị quyết 29, tỉnh An Giang rút ra bài học kinh nghiệm. Trước hết chú trọng, tăng cường kiểm tra công tác quản lý cơ sở giáo dục, qua đó nhân rộng nhân tố điển hình, phát hiện và xử lý kịp thời hạn chế, thiếu sót, hành vi vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành nhằm nâng cao nhận thức cán bộ quản lý, giáo viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đơn vị chủ động hơn trong việc thực hiện chủ trương, chính sách. Công tác truyền thông, giáo dục, vận động phải tiến hành thường xuyên, liên tục, hình thức phong phú.
Sinh viên Trường Đại học Thương mại. Ảnh: NTCC
Tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, phối hợp với ngành chức năng trong quá trình triển khai nhiệm vụ, kịp thời đề xuất chủ trương giải quyết khó khăn, không để kéo dài. Mặt khác, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên theo hướng tăng cường tính chủ động, linh hoạt trong hoạt động giáo dục. Kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo.
Nhằm tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn tiếp theo, tỉnh An Giang đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của Nhà nước, phối hợp đồng bộ giữa ban, sở, ngành và tổ chức chính trị – xã hội đối với giáo dục và đào tạo.
Cùng đó, tiếp tục đổi mới công tác quản lý Nhà nước, quản trị trong cơ sở giáo dục và đào tạo. Sắp xếp và nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học đồng bộ với kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học; tập trung thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt hiệu quả. Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới, đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường tự chủ trong cơ sở giáo dục.
“Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có nhiều nội dung định hướng đúng, tiến bộ cho trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, sau 10 thực hiện, cần xem xét, nghiên cứu bổ sung ít nhiều để phù hợp bối cảnh thực tiễn”. – Bà Hồ Thị Minh – Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị.
|