Chính phủ báo cáo Quốc hội một số nội dung về cải cách tiền lương từ 1/7

Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, trình bày báo cáo trước Quốc hội một số nội dung về cải cách tiền lương từ 1/7.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: Phạm Thắng)

Chiều 25/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ 1/7.

Đối với khu vực doanh nghiệp, mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ Luật Lao động tăng 6%, từ 1/7. Quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước, áp dụng từ 1/1/2025.

Với khu vực công, sẽ thực hiện 4/6 nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW đã rõ, đủ điều kiện.

Hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng từ 1/7 bằng 10% quỹ lương cơ bản; quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, do phát sinh nhiều bất cập, 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng.

Phải xem xét sửa đổi hoặc bãi bỏ nhiều quy định hiện hành liên quan đến mức lương cơ sở.

2/6 nội dung này bao gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương) và cơ cấu lại, sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới.

Trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, Chính phủ đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 30%.

Chính phủ cũng đề xuất cho nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành mà trong quá trình thực hiện phát sinh bất hợp lý.

Thực hiện bảo lưu tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng.

Người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%).

Trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Chính phủ đánh giá, tác động tích cực là cơ bản, toàn diện, hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, chưa thực hiện được bảng lương mới.

Về thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 trong khu vực công, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, cần theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương.

Trong đó, kiến nghị giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện ở trên.

Giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng/tháng từ 1/7, chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát lại toàn bộ khung pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp.

Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ 1/7 như trên.

Vân Huyền

26 Tháng Sáu, 2024 | 17:07