Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhất quán, bản lĩnh tiếp tục đổi mới giáo dục
Sáng 4/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2023, ngành Giáo dục nhận được sự tin cậy, chia sẻ, đồng thuận, thấu hiểu nhiều hơn từ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đại biểu Quốc hội, người dân.
Chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn.
Cùng dự có ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội; và đại diện lãnh đạo các đơn vị cơ quan Bộ GD&ĐT, đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Nhiều kết quả đạt được trong thách thức
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2023, công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Nhiều nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được rà soát, tích hợp với các nội dung, công việc đang triển khai của Bộ, của ngành Giáo dục và đạt được một số kết quả nổi bật.
Thứ nhất: Tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đoàn đi khảo sát tại một số cơ sở giáo dục, đào tạo trong cả nước và làm việc với 8 tỉnh ủy, thành ủy; tổ chức 6 hội thảo khoa học, tọa đàm và 1 hội nghị toàn quốc.
Trên cơ sở 188 báo cáo của các cơ quan, đơn vị, ý kiến góp ý của Thường trực Chính phủ và một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện và trình Bí thư Ban cán sự Đảng, Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Chủ trì Hội nghị (từ phải qua trái): Thứ trưởng Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.
Thứ hai: Triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng KT-XH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GD&ĐT đã ban hành 6 Kế hoạch hành động của Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện các Nghị quyết phát triển vùng nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực GD-ĐT. Bộ GD&ĐT đồng thời tổ chức thành công 6 Hội nghị phát triển GD-ĐT vùng.
Thứ ba: Triển khai thực hiện Kế hoạch giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông (PT). Đoàn Giám sát đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực và chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng của GDPT.
Trên cơ sở kết luận của Đoàn Giám sát, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GDPT và xem xét ban hành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ tư: Tập trung xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi tại một số tỉnh, thành phố. Tích cực triển khai Chương trình GDPT 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình.
Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định, phê duyệt theo đúng lộ trình danh mục sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục. Trình Chính phủ phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xuất bản và phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số…
“Chặng đường phía trước phải thể hiện tinh thần nhất quán, bản lĩnh để tiếp tục con đường đổi mới. Trước một số việc nếu không thực sự bản lĩnh, xã hội không biết đặt niềm tin vào đâu”, Bộ trưởng nói.
Cùng với đó là tinh thần thực tiễn để tiếp tục đổi mới. Bộ trưởng cho biết, năm qua, Bộ GD&ĐT đã rà soát, điều chỉnh hàng loạt chính sách phù hợp với thực tiễn như Nghị định 116, Nghị định 99, điều chỉnh hàng loạt thông tư, hướng dẫn… với tinh thần chung là lắng nghe từ thực tiễn, phù hợp với yêu của thực tiễn. “Thời kỳ chuyển đổi nên sẽ nhiều thay đổi, những gì chưa phù hợp kịp thời thay đổi để phù hợp…”, Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần này cần tiếp tục trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
“Cam kết chất lượng” là việc tiếp theo mà theo Bộ trưởng, các bậc học dù nhiều việc đang phải làm nhưng luôn luôn phải lấy yếu tố chất lượng làm thước đó cho mọi công việc.
Cùng với đó, trong quá trình đổi mới nhiều yếu tố mới, tinh thần mới, giá trị mới phải được làm lan toả. Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời ghi nhận sự cố gắng của từng từng đơn vị, ghi nhận kết quả truyền thông trong năm 2023, qua đó giúp cho hoạt động truyền thông tích cực hơn, chia sẻ của xã hội với ngành tốt hơn.
Một nội dung công việc khác cũng được Bộ trưởng lưu ý là triển khai đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Các hoạt động thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Luật Nhà giáo là công việc rất lớn đặt ra cho năm 2024…
|