Bỏ quy định thi thăng hạng viên chức giải tỏa áp lực không đáng có
Giáo viên cả nước đón nhận thông tin Chính phủ bãi bỏ quy định thi thăng hạng viên chức. với tâm thế phấn khởi…
Cô và trò Trường Tiểu học Bàn Giản, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Ảnh: ITN
Khấp khởi niềm tin
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (Nghị định số 85). Theo đó, các điều khoản liên quan đến thi thăng hạng viên chức trên toàn quốc được bãi bỏ. Cùng là viên chức nên đội ngũ giáo viên cũng thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Thông tin trên đã giải tỏa được tâm tư, nguyện vọng và mong mỏi bấy lâu nay của đội ngũ giáo viên cả nước. Từng tham gia thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (từ giáo viên tiểu học hạng III lên hạng II), cô Nguyễn Thị Dạ Thảo – Trường Tiểu học Hưng Phong (Giồng Trôm, Bến Tre) không quên được những căng thẳng, áp lực từ kỳ thi này.
Cô Dạ Thảo chia sẻ, năm 2021 tham gia thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên giáo viên tiểu học hạng II. Ngày ấy, cô phải trải qua 4 bài thi gồm: Kiến thức chung; Ngoại ngữ; Tin học và thi viết chuyên ngành. Nhiều giáo viên bị “trượt thăng hạng” bởi bài thi Ngoại ngữ, nhất là giáo viên lớn tuổi. “Quá cực nhọc và vất vả với giáo viên sắp về hưu như tôi”, cô Dạ Thảo bày tỏ và cho biết, phải đi ôn tập gần 1 tuần; đọc, nghiên cứu, tự học từ 2 quyển tài liệu dày khoảng 200 trang.
Cho đến giờ, cô Dạ Thảo vẫn ám ảnh và mong sớm được bãi bỏ hình thức thi thăng hạng giáo viên. “Thấy tôi vất vả khi dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp nên chồng tôi (cũng là giáo viên) quyết định “nói không với thi thăng hạng”, dù anh ấy đã đủ điều kiện”, cô Dạ Thảo bộc bạch.
Bao năm mong mỏi bãi bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp với giáo viên; thay vào đó, chỉ nên áp dụng hình thức xét thăng hạng. Nay điều này đã thành hiện thực. “Khi có đợt xét, chồng tôi sẽ nộp hồ sơ, hy vọng với những thành tích, uy tín trong dạy học và hơn 35 năm trong nghề, hồ sơ của anh sẽ được xét duyệt, thông qua để trở thành giáo viên tiểu học hạng II”, cô Dạ Thảo khấp khởi niềm tin.
Giờ lên lớp của cô giáo Hoàng Thị Thanh Bình – Trường Tiểu học Phố Cáo. Ảnh: NVCC
Khắc phục vướng mắc
Bỏ thi thăng hạng cũng là tâm nguyện của cô Hoàng Thị Thanh Bình – giáo viên Trường Tiểu học Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang). Cô Bình viện dẫn, theo Nghị định 115/2020, viên chức thi thăng hạng phải làm 4 bài thi gồm: Kiến thức chung; Ngoại ngữ (thi trắc nghiệm); Tin học (thi trắc nghiệm); Thi viết chuyên ngành. “Nội dung thi chưa sát với thực tiễn giảng dạy của giáo viên”, cô Bình thẳng thắn trao đổi.
Bảo vệ cho nhận định của mình, cô Bình dẫn chứng, với bài thi Ngoại ngữ, không phải giáo viên nào cũng giỏi, nhất là những người lớn tuổi, trước đây không được học, đào tạo bài bản ngoại ngữ. Đáng nói, thi xong “để đấy” vì không phải giáo viên nào cũng sử dụng ngoại ngữ để áp dụng vào giảng dạy (trừ giáo viên bộ môn Ngoại ngữ). Vô hình trung tạo ra áp lực cho tất cả giáo viên.
Thực tế, việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp không có nhiều ý nghĩa so với nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Lẽ ra, những giáo viên đạt thành tích cao, đáp ứng điều kiện cần và đủ phải được ưu tiên xét thăng hạng chứ không cần trải qua một kỳ thi sát hạch. “Rất mừng các cơ quan có thẩm quyền đã thấu hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ viên chức nói chung, giáo viên nói riêng để tham mưu với Chính phủ quyết định bãi bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Nay chỉ còn hình thức xét, sẽ giải tỏa tâm tư, tháo gỡ nhiều khúc mắc trong thực tiễn. Qua đó, tạo động lực để thầy, cô tận hiến với nghề”, cô Bình chia sẻ.
Thực tế cho thấy, việc tổ chức kỳ thi thăng hạng bộc lộ nhiều bất cập, gây tốn kém và áp lực không đáng có cho đội ngũ nhà giáo, cô Phan Thị Hải Yến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hà (Thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) nhận xét. Vì thế, nếu được xét thăng hạng, không phải thi, giáo viên sẽ có thêm thời gian, công sức để đầu tư hiệu quả cho dạy – học.
Với giáo viên, chất lượng không chỉ được đánh giá bằng một kỳ thi, mà phải cả quá trình. Quan trọng là sự ghi nhận của học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp. “Có được sự kính trọng, tin yêu của học trò, phụ huynh, đồng nghiệp là giáo viên đã khẳng định được “thứ hạng” của mình”, cô Hải Yến nhấn mạnh.
Mới đây, UBND huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp với gần 1.200 giáo viên toàn huyện. Theo ông Phạm Anh Tuấn – Trưởng phòng GD&ĐT Tứ Kỳ, đây là tin vui cho giáo viên. Niềm vui như được nhân đôi khi có thêm thông tin bãi bỏ hình thức thi, chỉ giữ lại xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Từ đây, nhiều thầy, cô đủ điều kiện sẽ tiếp tục được xét thăng hạng.
“Chúng tôi sẽ chờ ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của sở GD&ĐT để thông báo đến giáo viên. Khi có chủ trương xét thăng hạng, chúng tôi nghiêm túc chấp hành, đảm bảo tốt nhất quyền lợi chính đáng cho nhà giáo”, ông Tuấn khẳng định.
Ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định cho biết, trước mắt, sở sẽ nghiên cứu kỹ Nghị định để tham mưu kịp thời với lãnh đạo, sớm xây dựng kế hoạch xét thăng hạng cho giáo viên đủ điều kiện. “Nếu xét, chúng tôi sẽ chú trọng vào năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cùng những minh chứng điều kiện cần và đủ của giáo viên”, ông Tuấn chia sẻ.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, ông Vũ Đăng Minh – Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ thông tin, có 94/95 bộ, ngành, địa phương cũng như các đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức. Nếu bỏ thi thăng hạng sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội; đặc biệt hạn chế, giảm thủ tục hành chính. Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập và giảm áp lực cho đội ngũ viên chức.
Nghị định số 85 nêu rõ, trường hợp được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án, kế hoạch tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 7/12/2023 tiếp tục thực hiện theo đề án, kế hoạch đã phê duyệt trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 7/12/2023. Sau thời hạn này, nếu không hoàn thành thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này. |