Bộ GD&ĐT nêu 6 đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo
Tại Tờ trình gửi Chính phủ về Dự án Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT nêu 6 đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.
Thứ nhất, giảng dạy và giáo dục – lao động sư phạm của nhà giáo là lao động đặc biệt, từ đối tượng, công cụ, quy trình cho đến sản phẩm đều do con người thực hiện và trực tiếp tác động đến con người, giúp cho con người sống hạnh phúc, có ích hơn. Đồng thời, lao động sư phạm của nhà giáo cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.
Thứ hai, tính hệ thống liên hoàn, liên thông trong quá trình giáo dục và đào tạo: về nội dung, chương trình giáo dục giữa các cấp học, trình độ đào tạo; về giáo dục nhân cách, kiến thức và văn hóa và chất lượng giáo dục phải thực hiện thường xuyên, liên tục đối với học sinh ở các cấp học, trình độ đào tạo (đầu ra của cấp học, trình độ đào tạo này là đầu vào của cấp học, trình độ đào tạo cao hơn).
Thứ ba, tính thống nhất cao trong phạm vi toàn quốc về kế hoạch giảng dạy, học tập và thi cử; về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo; về chế độ, chính sách đối với nhà giáo (nội dung, chương trình, kế hoạch, sách giáo khoa, kiểm tra, đánh giá, thi cử, thời lượng từng tiết học…).
Thứ tư, tính kế hoạch hóa công việc, hoạt động giảng dạy, giáo dục thể hiện từ kế hoạch biên chế năm học (không theo năm hành chính như các ngành, nghề khác), học kỳ, từng tiết học, môn học cụ thể, thời lượng, số thời gian thực hiện, định kỳ kiểm tra, đánh giá… đặt ra cần có các quy định cụ thể, riêng biệt về chế độ làm việc của nhà giáo.
Thứ năm, tính sáng tạo, chuyên nghiệp cao, linh hoạt trong hoạt động nghề nghiệp vì sản phẩm của hoạt động nghề nghiệp nhà giáo là nhân cách, phẩm chất và năng lực của mỗi người học đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội do sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ cùng xu hướng toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, sản phẩm của hoạt động nghề nghiệp nhà giáo cũng có thể là tri thức mới được “sản sinh”.
Thứ sáu, hoạt động giảng dạy, giáo dục liên quan trực tiếp đến mọi gia đình, mọi cá thể trong xã hội, điều này vừa giúp nhà giáo được xã hội quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng và cũng đồng thời tạo nên áp lực lớn đối với nhà giáo cao hơn so với người lao động ở các ngành nghề, lĩnh vực khác.
Tính chất đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo nêu trên đặt ra yêu cầu cần có môi trường làm việc, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo thuận lợi cho nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề và tâm huyết với nghề; tạo điều kiện cho sự phát triển sáng tạo, trong một không gian văn hóa được trân trọng, tôn vinh, ghi nhận, phối hợp và hỗ trợ của toàn xã hội.
Nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác. Một trong những đặc trưng của nghề dạy học là “dạy người”, với nhiệm vụ cao cả là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài – một trong ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước hiện nay.
Trích Tờ trình của Bộ GD&ĐT về Dự án Luật Nhà giáo gửi Chính phủ.
|
Minh Phong