Bộ GD&ĐT biên soạn thêm 1 bộ SGK: Không cần thiết, khó khả thi
Nhiều ý kiến cho rằng, hãy dành nguồn lực để hoàn thiện tốt nhất các bộ sách đang có, thay vì biên soạn thêm một bộ SGK mới của Bộ GD&ĐT…
Cán bộ, giáo viên Hà Nội tìm hiểu sách giáo khoa lớp 11 Chương trình GDPT 2018. Ảnh minh họa: ITN
Thực tiễn hơn 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều chuyên gia, nhà giáo khẳng định thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK). Tiếp tục phát huy chủ trương này, nhiều ý kiến cho rằng, hãy dành nguồn lực để hoàn thiện tốt nhất các bộ sách đang có, thay vì biên soạn thêm một bộ SGK mới của Bộ GD&ĐT.
Triển khai “vào guồng”
Hiện, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) đã bắt nhịp với chương trình mới; bắt đầu phát huy hiệu quả tính chủ động, sáng tạo trong sử dụng SGK.
Chia sẻ điều này, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chanh cho rằng, nhà trường, giáo viên, học sinh được hưởng lợi từ chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK. Vì khi có nhiều bộ sách bắt buộc tác giả, nhà xuất bản phải cạnh tranh, cố gắng làm tốt nhất từ cấu trúc, mạch kiến thức, chất liệu… để có bộ SGK chất lượng, giá cả hợp lý.
“Triển khai một chương trình, nhiều bộ SGK giúp nhà trường lựa chọn được bộ sách chất lượng, phù hợp nhất. Trong những năm qua, việc lựa chọn, đề xuất lựa chọn SGK của Trường Tiểu học Thụy Sơn triển khai bài bản; từ xây dựng kế hoạch, thành lập tổ chuyên môn, nghiên cứu đọc sách, đánh giá, nhận xét các bộ sách.
Việc này thực hiện bảo đảm dân chủ, công khai tới tất cả phụ huynh; đại diện phụ huynh trong hội đồng lựa chọn sách nhà trường. Khâu tổng hợp ý kiến, bỏ phiếu của tổ chuyên môn đến hội đồng trường làm dân chủ, minh bạch. Bộ sách nhà trường lựa chọn, đề xuất lựa chọn theo đúng nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, phụ huynh và phù hợp điều kiện thực tế”, thầy Nguyễn Văn Chanh chia sẻ.
Từ thực tế triển khai tại cơ sở, thầy Nguyễn Văn Chanh kiến nghị: Không nên có thêm một bộ SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn, vì tốn kém kinh phí, thời gian. Những chuyên gia, nhà khoa học nên tập trung hoàn thiện tốt nhất các bộ sách đang được sử dụng, góp phần phát huy công tác xã hội hóa đã và đang triển khai.
Cũng cho rằng, việc Bộ GD&ĐT biên soạn thêm 1 bộ SGK thời điểm này không cần thiết, thầy Hà Duy Hòa – Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Kháng Nhật (Sơn Dương, Tuyên Quang) nhận định: Nhiều bộ SGK tăng cơ hội lựa chọn của giáo viên, nhà trường để có bộ sách phù hợp điều kiện thực tế.
Lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, nhưng giáo viên vẫn đề nghị nhà trường mua 2 bộ sách còn lại để tham khảo. Đến nay, thầy cô, học trò đã quen với sử dụng SGK mới; đồng thời phát huy vai trò chủ động, tận dụng các bộ sách để đạt hiệu quả dạy học tốt nhất.
Thầy trò Trường Tiểu học Thụy Sơn (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ học. Ảnh: NTCC
Không cẩn trọng sẽ quay trở lại độc quyền SGK
“Nếu thời điểm này, Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ SGK, tôi e chủ trương xã hội hóa trong biên soạn SGK sẽ bị ảnh hưởng, dễ quay trở lại tình trạng độc quyền SGK mà chúng ta mất nhiều nỗ lực, công sức, tâm huyết để xóa bỏ”. Nêu quan điểm này, bà Hồ Thị Minh – đại biểu Quốc hội khóa XV (đoàn Quảng Trị) cho rằng: Bộ GD&ĐT bỏ nguồn lực, vật lực, nhân lực, thời gian để biên soạn thêm SGK thời điểm này không cần thiết.
Qua theo dõi và ghi nhận ý kiến cử tri, có thể thấy việc lựa chọn, sử dụng 3 bộ SGK tại các nhà trường đã “vào guồng”, vận hành cơ bản ổn định, đồng bộ. SGK các lớp cuối cấp (lớp 5, 9, 12) cũng chuẩn bị thẩm định.
Trường hợp Bộ GD&ĐT phải biên soạn một bộ SGK lúc này, ai dám chắc sẽ tốt hơn những bộ đang sử dụng; bởi nguồn lực con người gần như được các tổ chức huy động hết. Thêm nữa, khi có bộ sách của Bộ GD&ĐT, tâm lý địa phương, nhà trường thường chọn bộ sách này. Như vậy thiếu tính cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng lớn đến chủ trương xã hội hóa.
Việc Bộ GD&ĐT cần làm lúc này, theo bà Hồ Thị Minh, là rà soát, đánh giá lại các bộ SGK đã phê duyệt, sử dụng trong nhà trường để phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục hạn chế. Bộ GD&ĐT cần tăng cường kiểm soát quá trình biên soạn SGK theo quy định; ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh họa của bản mẫu SGK; bảo đảm chủ động tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình.
Đồng thời, tăng cường công tác thực nghiệm SGK, khai thác góp ý sau thực nghiệm để nâng cao chất lượng bản mẫu SGK. Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt SGK, dành thời gian để địa phương nghiên cứu, lựa chọn SGK đáp ứng điều kiện, đặc thù từng vùng, miền.
Nhiều năm trong ngành Giáo dục, ông Nguyễn Văn Định – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp cho rằng: SGK phải là tinh hoa trí tuệ của dân tộc, phản ánh hiện thực, bảo đảm tính khoa học, hiện đại nhưng phải kế thừa tri thức nhân loại, dự báo tốt trình độ người học theo từng thời điểm cụ thể, dự đoán được sự phát triển của thế hệ trẻ…
Vì vậy, biên soạn SGK là quá trình công phu ở mức cao nhất, đòi hỏi có thời gian, quy tụ sự tham gia của những người có năng lực tốt nhất. Thời điểm này, cả nước đang dồn trọng tâm vào triển khai SGK mới, những nội dung được hoàn thiện trong thời gian dài. Nên việc Bộ GD&ĐT biên soạn thêm 1 bộ SGK nữa có thể tạo ra khó khăn nhất định về thời gian, nhân lực và nhất là tiền bạc.
Là người tham gia chuẩn bị nội dung báo cáo của Chính phủ do Bộ GD&ĐT khởi thảo để trình Quốc hội khóa X ra Nghị quyết 88, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên Chương trình GDPT môn Ngữ văn 2018 cho rằng: Việc Bộ GD&ĐT tiếp tục biên soạn 1 bộ SGK không cần thiết. Điều Bộ GD&ĐT nên làm là tập trung xem xét, điều chỉnh, tổ chức triển khai các bộ sách sao cho đúng hướng; đặc biệt, cần chỉ đạo đổi mới cách dạy, kiểm tra, đánh giá, thi cử sao cho hợp lý, hiệu quả. |