Ngành GD&ĐT góp phần tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững

Phát triển các mô hình sinh kế, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững từ kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án khởi nghiệp của các cơ sở GDĐH.

Quang cảnh Hội thảo.

Phát triển các mô hình sinh kế góp phần giảm nghèo

Ngày 22/12, tại Trường ĐH Cần Thơ, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) tổ chức Hội thảo Phát triển các mô hình sinh kế, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững từ kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án khởi nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Xuân An Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên; phía Trường ĐH Cần Thơ có GS.TS Trần Ngọc Hải – Phó Hiệu trưởng; cùng đại diện các Trường đại học tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Ông Nguyễn Xuân An Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại Hội thảo.

Theo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), kết quả triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ GD&ĐT năm 2022 – 2023 đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đã hỗ trợ 7 cơ sở giáo dục đại học triển khai được tổng cộng 12 mô hình giảm nghèo, dự án phát triển sản xuất được hỗ trợ. Trong đó, 8 mô hình giảm nghèo hoặc dự án phát triển sản xuất theo loại hình nông, lâm, ngư nghiệp; 4 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tạo tác động xã hội.

Về hiệu quả kinh tế, xã hội của dự án giảm nghèo, tính đến thời điểm tháng 6/2023. Đối với các dự án đã kết thúc năm 2022, trung bình thu nhập của các hộ dân tăng thêm từ 50 – 100% so với trước khi tham gia dự án. Các dự án được triển khai đã giúp cho các hộ dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và các chính sách của Nhà nước đối với các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, miền núi; giúp xây dựng các mô hình, đặc biệt là mô hình sinh kế giảm nghèo để người dân ở địa phương có thể tham quan, học tập.

Đối với Tiểu Dự án 1 – Dự án 7: Năm 2002, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho sinh viên hộ nghèo, hộ cận nghèo mới thoát nghèo các kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương: Số lớp 15 lớp, số sinh viên tham gia là 680 (trong đó 300 sinh viên thuộc hộ nghèo, 350 sinh viên hộ cận nghèo; 30 sinh viên thuộc hộ mới thoát nghèo; 270 sinh viên nữ, 90 sinh viên người dân tộc thiểu số). Năm 2023, hoàn thành việc giao các cơ sở đào tạo tổ chức 40 lớp đào tạo với tối thiểu 1.600 sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được trang bị kiến thức, nâng cao năng lực về khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương.

Tại hội thảo, các trường đại học đã trình bày tham luận: Nghiên cứu chế tạo bê tông “xanh” và khả năng áp dụng trong điều kiện xây dựng của Việt Nam – Trường ĐH Mỏ – Địa chất; mô hình Trồng dâu nuôi tằm và phát triển các sản phẩm thương mại – Trường ĐH Đà Lạt; mô hình phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh một số sản phẩm thực phẩm từ cây vú sữa – Trường ĐH Nông lâm TPHCM; mô hình triển khai sản xuất nước tẩy rửa sinh học tại nông hộ từ phụ phẩm khóm tắc cậu thuộc huyện châu thành tỉnh Kiên Giang – Trường ĐH Kiên Giang; công tác triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đa chiều cho sinh viên tại ĐH học Cần Thơ…

23 Tháng Mười Hai, 2023 | 16:59