Sơn La đẩy mạnh công tác xoá mù chữ cho đồng bào vùng cao
Tỉnh Sơn La xác định công tác xoá mù chữ cho người dân ở các xã vùng cao là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, nhờ vậy đã đạt kết quả tích cực…
Cô trò lớp xoá mù chữ ở bản Hua Pàn, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã.
Thực hiện nhiều chính sách hiệu quả
Những năm qua, công tác xóa mù chữ (XMC) trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp và sự ủng hộ, nhiệt tình của các tổ chức đoàn thể, xã hội. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với công tác giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài.
Việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu chất lượng giáo dục và công tác phổ cập giáo dục, XMC luôn được ngành giáo dục Sơn La quan tâm.
Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố quyết liệt triển khai chương trình XMC cho đồng bào vùng cao.
Cùng với đó, hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em gái học chương trình XMC và giáo dục xóa mù sau biết chữ; thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, XMC giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030…
Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, cấp ủy chính quyền các địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, gắn kết trách nhiệm giữa các ngành, đoàn thể… nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về phổ cập giáo dục XMC trên địa bàn tỉnh.
Đến nay công tác XMC ở Sơn La đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Đề án “xây dựng xã hội học tập”, hỗ trợ người dân tham gia học XMC; Hướng dẫn kiểm tra công nhận “Cộng đồng học tập cấp xã”, “Đơn vị học tập” đã góp phần hiệu quả vào việc thực hiện XMC.
Lớp học xoá mù chữ ở huyện Sông Mã.
Nhiều kết quả tích cực…
PGS. TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La thông tin: Hiện nay, toàn tỉnh có 96,9% số phòng học kiên cố, bán kiên cố. Gần 100% giáo viên bậc tiểu học và THCS đạt trình độ chuẩn trở lên.
Bên cạnh đó, tỉnh đã huy động 99,96% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1. Để duy trì kết quả đạt được và nâng chuẩn XMC, Sở GD&ĐT Sơn La đã tham mưu cho UBND tỉnh huy động các lực lượng xã hội: Công an tỉnh, Sở LĐTB&XH tham gia. Trong đó, Sở LĐTB&XH phối hợp tổ chức các lớp XMC, phổ cập giáo dục, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân tại trại giam.
“Chúng tôi phối hợp với Bộ đội Biên phòng tham gia XMC, củng cố kết quả phổ cập giáo dục. Hội Liên hiệp phụ nữ tham gia nâng cao chất lượng giáo dục và công tác XMC… Sở cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị được giao nhiệm vụ, căn cứ vào Chương trình XMC, sử dụng nguồn lực sẵn có của địa phương về cơ sở vật chất, thiết bị của các trường học trên địa bàn, nhà văn hóa bản, trung tâm học tập cộng đồng…”, ông Hoàng cho biết.
Hàng năm, tỉnh Sơn La đều tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong công tác xoá mù chữ.
Để duy trì kết quả đã đạt được, thời gian qua ngành giáo dục Sơn La đã tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, XMC. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các tổ chức có liên quan trong công tác chống mù chữ. Tổ chức các lớp học xóa mù phù hợp với tập quán sinh hoạt của người dân tộc thiểu số, phù hợp với đối tượng người học.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò của các Bí thư chi bộ, Trưởng bản, người có uy tín trong việc vận động người mù chữ đến lớp học. Tổ chức lớp XMC tập trung ở các địa bàn thuận lợi. Nỗ lực duy trì và phát triển kết quả đã đạt được.
Theo PGS. TS Nguyễn Huy Hoàng, năm 1999 tỉnh đã công nhận đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ. Năm 2006 tỉnh tiếp tục được công nhận đạt chuẩn Quốc gia phổ cập giáo dục THCS và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng mức độ 1. Tiếp đó, năm 2014 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Cuối năm 2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định công nhận tỉnh Sơn La đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và đạt chuẩn XMC mức độ 2 thời điểm tháng 12/2021, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS cấp độ 2 vào tháng 8/2022. Đạt được kết quả này, có sự đóng góp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công sức đóng góp của các thầy cô giáo được giao nhiệm vụ ở tuyến cơ sở.