Ngành GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lý và dạy học, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số.
Ông Lê Đức Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) – cho hay, các trường học trên địa bàn quận không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, mà còn áp dụng sáng tạo vào trong việc giảng dạy.
Sau hơn 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thầy – trò quận Ba Đình đã thuần thục dạy – học trực tuyến. Hiện, 100% trường học trực thuộc quận được kết nối Internet, được trang bị hệ thống camera giám sát nhằm đảm bảo sẵn sàng cho việc liên thông hệ thống quản lý điều hành. Các cơ sở giáo dục trực thuộc quận đều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý thư viện, đồ dùng thiết bị nhà trường.
Ông Lê Đức Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội).
Để thực hiện Chuyển đổi số trong giáo dục, ông Lê Đức Thuận cho hay, quận Ba Đình đầu tư đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại như: màn led sân trường, hệ thống hạ tầng mạng internet với cáp quang, wifi cùng hệ thống cơ sở vật chất về công nghệ thông tin, hỗ trợ công tác quản lý, dạy học, kiểm tra đánh giá…
Bên cạnh đó, các lớp học đều được trang bị màn hình lớn, giúp bài giảng của giáo viên được thể hiện sinh động hơn, tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học.
Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cũng thường xuyên mời các chuyên gia, đơn vị về công nghệ thông tin hàng đầu của Thành phố Hà Nội để tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận.
Thư viện trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội) ứng dụng phần mềm quản lý và quét mã giúp việc quản lý, theo dõi học sinh mượn sách trở nên thuận tiện hơn.
Cùng với đó, các trường học cũng chủ động tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản, quản trị, điều hành hệ thống, quản lý trường học trên môi trường mạng, sử dụng một số phần mềm dạy học trực tuyến và hỗ trợ dạy học, thiết kế bài giảng Elearning,…
Cùng với kho học liệu dùng chung do phòng GD&ĐT khởi tạo, đến nay, các trường tiểu học và THCS đã tạo được hơn 14.500 học liệu số.
“Những con số biết nói trên là minh chứng rõ nét cho đội ngũ giáo viên, nhân viên Ba Đình tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới nội dung, phương pháp dạy – học, kiểm tra, đánh giá trong tất cả các môn học, hoạt động giáo dục” – ông Lê Đức Thuận nhấn mạnh.
Nhờ sự ham học hỏi, lòng say mê yêu nghề, mến trẻ của các thầy cô giáo, Giáo dục Ba Đình vươn lên vị trí thứ hai trong nhóm dẫn đầu toàn thành phố.
Giáo viên quận Ba Đình đã thuần thục dạy học trực tuyến.
Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Thuận, việc triển khai dạy – học trực tuyến trong thời gian qua mới chỉ giai đoạn đầu; cần từng bước hướng tới xây dựng trường học trực tuyến, nơi có thể tổ chức hoạt động học, quản lý lớp, giao bài tập, kiểm tra, đánh giá trên hệ thống. Qua đó, học sinh chủ động tiếp cận và lĩnh hội kiến thức với môi trường số phong phú, đa dạng và hấp dẫn.
Trường THCS Nguyễn Trãi là ngôi trường được tin tưởng giao nhiệm vụ tiên phong xây dựng “Trường học trực tuyến” trong dạy và học trên địa bàn quận Ba Đình. Nhờ đó, việc triển khai dạy và học trực tuyến dễ dàng được tiếp cận và thực hiện.
Đối với những cơ sở giáo dục chưa triển khai được phần mềm trực tuyến, Phòng GD&ĐT đã và đang xây dựng phương hướng cũng như đồng hành cùng các nhà trường thực hiện sớm trong thời gian tới. Phòng GD&ĐT Ba Đình đã nghiệm thu đề tài “Xây dựng mô hình trường học trực tuyến” tại Trường THCS Nguyễn Trãi đạt được những thành công nhất định.
Giáo viên Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội) sử dụng phần mềm Plickers trong bài trắc nghiệm, để đổi mới cách kiểm tra đánh giá, giúp học sinh ôn tập, củng cố lại kiến thức cũ.
“Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình luôn xác định chuyển đổi số là quá trình lâu dài, bền bỉ, cần chú trọng nâng cao nhận thức, tư duy đúng đắn về chuyển đổi số, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục” – ông Lê Đức Thuận.