Đại biểu Quốc hội đề xuất xem xét giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non
Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 23/11, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) đề xuất xem xét giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 23/11.
Đóng góp ý kiến về độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho rằng, tại điểm b khoản 1 Điều 64 dự thảo luật quy định: trường hợp người lao động được nghỉ hưu thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định, nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt trong danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành, hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021.
Tuy nhiên, giáo viên mầm non không thuộc các trường hợp đã nêu tại điểm này, do đó tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thực hiện theo quy định tại điểm a dự thảo luật.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, quy định này chưa phù hợp vì đặc thù của giáo viên mầm non có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em từ 2 đến 6 tuổi. Đây là lứa tuổi khá hiếu động.
Trong suốt quá trình làm việc, giáo viên mầm non phải tổ chức nhiều hoạt động có tính chất vận động liên tục như: múa hát, thể dục, chăm sóc trẻ, do đó, giáo viên mầm non phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để chăm sóc, dạy dỗ, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Điểm c khoản này, dự thảo luật có quy định giao Chính phủ quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với một số trường hợp đặc biệt; do đó, đại biểu đoàn Bắc Ninh đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng xác định giáo viên mầm non là trường hợp đặc biệt.
Chính phủ quy định đối với đối tượng này cho phù hợp với đặc thù vị trí nghề nghiệp, hoặc bổ sung giáo viên mầm non thuộc nhóm lao động nặng nhọc, độc hại để áp dụng điều kiện nghỉ hưu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64.