Thái Bình kiên định mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo
Những kết quả tích cực từ triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 đã góp phần thay đổi bức tranh về giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc.
Đưa nghị quyết vào cuộc sống
Chiều 13/10, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Thái Bình.
Làm việc với đoàn có ông Nguyễn Tiến Thành – Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh.
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Tỉnh ủy Thái Bình nêu rõ: Quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động và linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tích cực phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết. Nhân dân đồng tình, ủng hộ các giải pháp đổi mới giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra.
Quy hoạch giáo dục và đào tạo của tỉnh tiếp tục ổn định và giữ vững. Hoạt động tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục được triển khai cơ bản đồng bộ, hiệu quả. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của giáo dục và đào tạo trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá có nhiều chuyển biến tích cực.
Hệ thống cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp được điều chỉnh về cơ cấu, quy mô phù hợp hơn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng (bên trái) và Phó bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Tiến Thành chủ trì buổi làm việc.
Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã và đang được triển khai bài bản, đạt chất lượng và hiệu quả tích cực. Các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm giáo dục kỹ năng sống hoạt động dần đi vào ổn định, góp phần củng cố, tăng cường sự vững mạnh cho hệ thống giáo dục quốc dân mở trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở được thực hiện hiệu quả. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, tạo được sự chuyển biến tích cực thu hút các nguồn lực của xã hội, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến sự phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn, góp phần đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương, đơn vị, dòng họ.
Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được nâng lên; Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT được củng cố, kiện toàn…
Cơ sở vật chất, trường lớp được xây dựng, trang bị ngày càng khang trang, hiện đại. Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, tạo được sự chuyển biến tích cực để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho sự phát triển giáo dục và đào tạo; nguồn ngân sách cho sự nghiệp GD-ĐT cơ bản được đảm bảo.
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Thái Bình đã triển khai nhiều mô hình hay, hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” ở các cơ sở giáo dục mầm non, mô hình “Xây dựng không gian trường học, lớp học an toàn, sáng tạo, hiệu quả” ở cấp tiểu học; mô hình giáo dục STEAM ở cấp THCS và THPT.
Mô hình đổi mới hình thức dạy học lịch sử gắn với di sản, văn hóa của Phòng GD&ĐT Hưng Hà; mô hình giáo dục STEAM của Phòng GD&ĐT Thái Thụy, mô hình đổi mới hoạt động ngoài giờ lên lớp của Phòng GD&ĐT Đông Hưng, Phòng GD&ĐT Quỳnh Phụ; mô hình Trường học hạnh phúc của Trường THCS An Vũ huyện Quỳnh Phụ…
Đại diện các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc.
Khắc phục những khó khăn, vướng mắc
Bên cạnh những thành tích đạt được, Tỉnh ủy Thái Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế như: Chất lượng giáo dục đại trà chưa cao; chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa bền vững; chất lượng học sinh chưa đồng đều. Việc thực hiện đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất người học có nơi còn thiếu đồng bộ. Một số trường học chưa có các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng dạy học.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn bất cập về chất lượng, số lượng, cơ cấu. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ cán bộ, giáo viên, nhất là cấp THPT chưa được giải quyết dứt điểm. Một số cán bộ, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục, đặc biệt là chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một bộ phận giáo viên thực hiện và vận dụng việc đổi mới phương pháp dạy học còn hạn chế, chất lượng giảng dạy chưa đồng đều.
Cơ sở vật chất trường, lớp tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất cũng như hoạt động chưa đảm bảo, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới…
Đại biểu tỉnh Thái Bình dự buổi làm việc.
Chất lượng dạy văn hoá, dạy nghề ở một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên chưa cao. Kết quả phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau THCS ở một số địa phương đạt thấp.
Nội dung, hình thức hoạt động của một số trung tâm học tập cộng đồng chưa phong phú, chưa tạo được sức hút đối với học sinh và người lao động. Nguồn lực đầu tư cho công tác giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu là nguồn ngân sách từ Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia và đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 còn thấp, một số trường có khả năng mất chuẩn hoặc hạ mức chuẩn theo tiêu chí mới của các văn bản hiện hành.
Việc thực hiện đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất người học có trường còn lúng túng; công tác huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục đào tạo chưa cao.
Trong phần kiến nghị, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đề xuất Chính phủ, Bộ Nội vụ bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên hằng năm và có quy định riêng việc thực hiện tinh giản biên chế của ngành giáo dục, đảm bảo định biên giáo viên trên lớp, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỉ lệ chung vì giáo dục có đặc thù riêng. Có chế độ chính sách, tiền lương mới cho viên chức ngành giáo dục.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của Bộ GD&ĐT và lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã có những trao đổi về các nội dung liên quan đến cơ chế chính sách cho giáo dục, việc sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục, kiểm tra giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29…
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy Thái Bình trong triển khai thực hiện Nghị quyết 29. Thái Bình là một trong những địa phương sớm ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, tổ chức tuyên truyền Nghị quyết, tổ chức thanh tra, kiểm tra và đã đạt được kết quả toàn diện.
Đoàn công tác sẽ ghi nhận, tiếp thu báo cáo và những ý kiến trong buổi làm việc để hoàn thiện báo cáo gửi Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Với báo cáo của tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của tỉnh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị bổ sung một số bài học kinh nghiệm, những cách làm hiệu quả, những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời phân tích làm rõ những yếu tố về nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho giáo dục, nhận thức về xã hội hóa giáo dục, quy hoạch trường lớp, sự phối hợp, trách nhiệm của các ban ngành đối với ngành giáo dục.
theo báo Giáo dục &Thời đại