Hải Phòng mong sớm có SGK môn Giáo dục địa phương
Năm học 2023-2024 đã triển khai nhưng hiện khối lớp 4, 8, 11 chưa có bản sách môn Giáo dục địa phương.
Các nhà trường mong muốn sớm có tài liệu môn Giáo dục địa phương.
Mong sớm có sách
Chị Trần Huyền Li, phường Lam Sơn, quận Lê Chân chia sẻ, chương trình mới có nhiều môn mới, trong đó có môn Giáo dục địa phương. Năm lớp 6, lớp 7 con chị được học bộ môn này, nhưng không có sách mà thầy cô chuyển file PDF cho phụ huynh. Nhưng năm lớp 8, các con chưa được sắp thời khóa biểu với môn học, chị có hỏi cô giáo chủ nhiệm thì được thông tin rằng nhà trường còn đợi sách sau đó sẽ sắp lịch học.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo ngành Giáo dục về công tác triển khai năm học mới, cô Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền bày tỏ mong muốn sớm có tài liệu giáo dục địa phương lớp 4 để nhà trường triển khai theo nhiệm vụ năm học.
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Phạm Văn Mịch, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lư, huyện Thủy Nguyên cho rằng, hiện chưa có tài liệu giáo dục địa phương nhưng nhà trường linh hoạt dạy học theo chủ đề vì ở bậc tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm.
Theo các nhà trường, cùng với các môn học khác, Giáo dục địa phương là môn học rất hay (ảnh MH).
Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Giáo dục địa phương là môn bắt buộc, có vị trí tương đương với các môn học khác. Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm; còn với cấp THCS và cấp THPT, giáo dục địa phương được xây dựng cụ thể với thời lượng 35 tiết/năm học.
Từ khi triển khai môn học này, dù còn nhiều khó khăn nhưng nhiều trường học tại Hải Phòng đã chủ động tổ chức các hoạt động tích hợp, trải nghiệm, giúp cho nội dung này trở nên hấp dẫn, gần gũi với học sinh.
Đồng quan điểm trên, thầy Lê Đăng Đỉnh, Hiệu trưởng Trường THCS Hoa Động, huyện Thủy Nguyên bày tỏ, mục tiêu cần đạt thông qua các chủ đề được xây dựng trong môn Giáo dục địa phương rất hay. Các nhà trường có thể bám vào tài liệu SGK môn học để hướng dẫn học trò tìm hiểu về nét đẹp văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương.
Các chủ đề, nội dung có thể cài đặt đan xen không cần tuần tự theo tài liệu, vì thế khi chưa có sách, giáo viên dạy bộ môn có thể hướng dẫn trò tìm hiểu nét đẹp văn hóa của chính quê hương Thủy Nguyên nơi các em sinh sống. Hình thức dạy học có thể là dạy theo chủ đề, theo dự án…
Thầy Trần Đức Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT An Lão, huyện An Lão cho hay, lớp 11 hiện chưa có tài liệu học tập môn Giáo dục địa phương. Nhà trường đẩy môn học khác lên để xếp thời khóa biểu. Khi có tài liệu nhà trường sẽ đưa môn học vào chương trình.
Theo chương trình mới, SGK chỉ là học liệu vì thế thầy cô có thể linh hoạt tìm nguồn tri thức qua các kênh thông tin để giảng dạy học sinh. Với môn học này nhà trường linh hoạt theo tình hình thực tế và đảm bảo hoàn thành kế hoạch nhà trường đề ra.
Học sinh lớp 11 Trường THPT An Lão trong giờ học.
Theo cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hồng Bàng, quận Hồng Bàng với khối lớp 10, nhà trường triển khai môn học này bình thường. Học sinh có file PDF để tìm hiểu môn học. Trong quá trình giảng dạy, nhà trường linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin giúp việc tiếp thu bài của học sinh hiệu quả hơn. Đối với khối 11, hiện trường chưa triển khai do chưa có tài liệu. Để chủ động môn học này, trường đã có kế hoạch, phân công giáo viên sẵn sàng đáp ứng.
Chia sẻ về nội dung này, thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận Dương Kinh cho rằng, với môn Giáo dục địa phương được dạy học qua các chủ đề rất gần gũi với lịch sử, địa lý, văn hóa và các vấn đề xã hội, kinh tế của địa phương. Đầu năm học, giáo viên nhà trường đã được tập huấn chuyên môn và sẵn sàng dạy khi có tài liệu. Phía nhà trường sẽ chủ động trong việc phân công giảng dạy, xếp lịch dạy cho giáo viên.
Tuy nhiên, để chủ động trong kế hoạch giáo dục; đảm bảo đúng, đủ số tiết và chất lượng giáo dục bộ môn, giáo viên các nhà trường bày tỏ mong muốn sớm có sách Giáo dục địa phương.
Bắt đầu giảng dạy từ tháng 10
Ông Đỗ Văn Lợi, Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với nội dung Giáo dục địa phương, Sở đã kịp thời chỉ đạo công tác biên soạn và tổ chức thực hiện. Sở cũng sớm tham mưu UBND thành phố về công tác thẩm định tài liệu giáo dục địa phương. Việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương được tiến hành bài bản, công phu.
Hải Phòng là một trong những địa phương được Bộ GD&ĐT đánh giá cao về công tác biên soạn kịp thời tài liệu vào đầu mỗi năm học. Tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, 5, 8, 11 đã được gửi về Bộ thẩm định theo đúng quy định.
Đến thời điểm này, công tác in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương đã được Bộ thẩm định của lớp 1, 2, 3, 6,7, 10 nhưng các nhà trường đang dùng bản PDF để giảng dạy. Khó khăn chủ yếu do vướng một số quy định liên quan đến Luật Giá, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật đấu thầu trong in và phát hành tài liệu… Vướng mắc trên không chỉ riêng của Hải Phòng mà là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Sang năm Chương trình GDPT 2018 sẽ thực hiện đến khối lớp 5, 9,và khối lớp 12.
Bà Phạm Thị Thu Hà, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hải Phòng cho hay, trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học, phòng đã hướng dẫn các nhà trường bắt đầu giảng dạy môn Giáo dục địa phương từ tháng 10. Với môn học này, hiện Bộ GD&ĐT đang thẩm định, Ban biên soạn đang tiếp thu và điều chỉnh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Văn Kiệm nêu quan điểm, việc chưa có tài liệu môn học Giáo dục địa phương là tình trạng chung trong cả nước, không riêng thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, với chương trình mới, SGK chỉ là tài liệu, vì thế các nhà trường chủ động việc lựa chọn học liệu và phương pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu của chương trình. Các nhà trường có thể linh hoạt sắp xếp tiết dạy bộ môn đảm bảo đủ số tiết theo quy định trên tinh thần khắc phục khó khăn hoàn thành kế hoạch năm học.
Theo báo Giáo dục &Thời đại