Chiều 3/10, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế – xã hội quý III năm 2024.
Chánh Văn phòng – Người phát ngôn của UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng chủ trì họp báo.
Thu ngân sách nhà nước 376.430 tỷ đồng
Thông tin về tình hình kinh tế – xã hội quý III, 9 tháng năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm quý IV-2024, ông Nguyễn Ngọc Tú – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố thực hiện 9 tháng năm 2024 là 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu quý III năm 2024 đạt 5.611 triệu USD, tăng 28,8%; 9 tháng đầu năm đạt 14.447 triệu USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định; công nghiệp tăng khá. Tổng thu từ khách du lịch đạt 81.932 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý IV, thành phố tập trung quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và kế hoạch trung hạn 2021-2025; triển khai khắc phục hậu quả cơn bão số 3, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng, ứng dụng phục vụ chuyển đổi số; mở rộng hệ sinh thái số các dịch vụ ngân hàng kết nối các ngành, lĩnh vực; chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực; đẩy mạnh lưu thông các sản phẩm hàng hóa, nhất là sản phẩm OCOP.
Đồng thời, hoàn thành Chương trình chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2030.
Đặc biệt, thành phố tập trung tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi); phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành trung ương tham mưu các nghị định, nghị quyết, quyết định triển khai thực hiện để Luật sớm đi vào cuộc sống.
Cùng với đó là thực hiện công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xây dựng kế hoạch thực hiện 2 quy hoạch ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hà Nội tiếp tục triển khai đầu tư các dự án khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung); ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2025 và điều chỉnh Chương trình Phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025; hoàn thiện Đề án nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.
Quang cảnh buổi họp báo.
Thành phố tập trung kiểm tra tiến độ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án cấp nước sạch; hoàn thành xây dựng Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét…
Hơn 220 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão số 3
Thông tin về công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, ông Nguyễn Đình Hoa – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hầu hết địa phương đều bị ảnh hưởng, thiệt hại về tài sản liên quan đến cây đổ, cành gãy, sự cố điện, sập đổ, tốc mái công trình…
UBND TP Hà Nội đã ban hành các quyết định bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, sở, ngành để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn thành phố là 220,87 tỷ đồng.
Về giải pháp chung thời gian tới, các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tập trung cao độ khắc phục hậu quả bão số 3. Trong đó, các cấp, các ngành tiếp tục khẩn trương triển khai đồng thời các hoạt động khắc phục hậu quả, sự cố, dọn dẹp, vệ sinh môi trường; rà soát, đánh giá, hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai theo quy định.
Các đê điều, công trình thủy lợi bị ảnh hưởng, sạt lở, lún sụt sẽ được kiểm tra, rà soát, đánh giá, qua đó, những công trình cần phải xử lý ngay sẽ được xây dựng khẩn cấp; những công trình khác sẽ đưa vào kế hoạch cải tạo, sửa chữa, đầu tư, nâng cấp…
Thành phố cũng tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm công tác ứng phó thiên tai trong thời gian qua; rà soát, cập nhật các phương án ứng phó với tình huống thiên tai, sự cố có thể xảy ra trong thời gian tới, theo phương châm “4 tại chỗ”; chú trọng các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập, lụt, lũ rừng ngang: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức…
Đối với các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), bà Lê Thị Ánh Mai – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, từ nay đến ngày 10/10/2024, thành phố sẽ tổ chức các nhóm hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Trong đó, có các hoạt động như: Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”; Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, “người tốt, việc tốt”, vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” và trao tặng “Huy hiệu vì sự nghiệp Thủ đô” năm 2024.
Đáng chú ý, thành phố tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 25 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh Thành phố vì hòa bình.
Đặc biệt, lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là hoạt động chính, quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, diễn ra vào 8h ngày 10/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia với số lượng khách mời dự kiến 3.000 người. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
Đăng Chung