Trong những năm qua, điểm chuẩn ngành Sư phạm luôn ở mức cao. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của các ngành, trường sư phạm đối với thí sinh.
Thí sinh tham dự kỳ thi năng khiếu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2024. Ảnh: HNUE
Thu hút học sinh giỏi
Nguyễn Hà Nhi – học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) là thủ khoa toàn quốc Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 với tổng điểm tốt nghiệp là 57,85. Nhi xuất sắc đạt điểm 10 ở 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân cùng điểm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh lần lượt đạt 8,8; 9,25 và 9,8.
Trong 3 năm học THPT, Hà Nhi từng tham gia và đoạt nhiều giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp môn Ngữ văn. Năm học nào, nữ sinh cũng mang về các danh hiệu để “làm giàu” thêm bảng thành tích của mình. Lớp 10, Hà Nhi đoạt giải Ba cấp trường, lớp 11 đoạt giải Nhì cấp cụm và lớp 12 giành giải Khuyến khích cấp thành phố.
Với 29,25 điểm xét tuyển khối C00, Hà Nhi có dự định đăng ký theo học ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. “Em mong làm cô giáo từ nhỏ vì được truyền lửa từ các thầy cô tâm huyết và đầy lòng nhân ái đối với học trò. Em mong mình có thể tiếp bước các thầy cô để cống hiến chút gì đó cho sự nghiệp trồng người”, Nhi tâm sự.
Sinh ra ở huyện miền núi Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, Lương Thị Hoài Thu – học sinh lớp 12C2, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An trở thành 1 trong 19 thí sinh có điểm thi tổ hợp C00 cao nhất toàn quốc. Cụ thể, Hoài Thu đạt 10 điểm môn Lịch sử, 10 điểm môn Địa lí và 9,75 điểm môn Ngữ văn.
Nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo từ nhỏ, Hoài Thu dự định đăng ký vào ngành Sư phạm Tiểu học của Trường Đại học Vinh để thỏa mãn ước mơ trở thành giáo viên giỏi để đưa “con chữ” đến các bản làng. Hơn nữa, học sư phạm được hỗ trợ học phí nên Thu hy vọng có thể đỡ phần nào áp lực kinh tế cho bố mẹ.
Cũng như Hà Nhi, Hoài Thu, nhiều thí sinh đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã đăng ký xét tuyển vào các trường sư phạm. Đinh Thị Bích Ngọc – thủ khoa toàn quốc, vừa là thủ khoa khối C00 dự định chọn học ngành Sư phạm Tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tô Thị Diệu – học sinh Trường THPT Quảng Xương 4 (Thanh Hóa) – thủ khoa khối C00 toàn quốc với điểm số 29,75 cũng đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với nguyện vọng trở thành giáo viên Ngữ văn.
Nhiều học sinh giỏi lựa chọn trường sư phạm. Ảnh: Vân Anh
Điểm chuẩn cao
Ngành Sư phạm trong những năm trở lại đây thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển. Trước yêu cầu của xã hội cùng chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với sinh viên sư phạm, trong mùa tuyển sinh năm nay, số học sinh giỏi lựa chọn ngành Sư phạm tiếp tục tăng.
Mùa tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ghi nhận mức điểm chuẩn cao nhất là Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử khi có điểm chuẩn cùng 29,3 điểm; Sư phạm Địa lí đứng thứ 2 với điểm chuẩn 29,05. Điều này đồng nghĩa, thí sinh cần đạt trung bình 9,7 điểm/môn mới có cơ hội trúng tuyển.
Trong khi đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 lấy điểm trúng tuyển cao nhất là ngành Sư phạm Ngữ văn và ngành Sư phạm Lịch sử với 28,83 điểm. Tiếp theo, điểm chuẩn vào ngành Sư phạm Lịch sử – Địa lí là 28,42. Năm ngoái, ngành Sư phạm Lịch sử của trường có điểm chuẩn cao nhất cả nước, lên tới 28,58.
Tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, điểm chuẩn cao nhất ở ngành Sư phạm Lịch sử với 28,6 điểm. Các ngành có mức điểm trên 28 đều thuộc môn xã hội như Sư phạm Ngữ văn lấy 28,56; Sư phạm Địa lí lấy 28,43; Giáo dục chính trị lấy 28,31; Sư phạm Lịch sử – Địa lí lấy 28,27.
TS Đỗ Hồng Cường – Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, năm 2021, nhà trường tuyển sinh hơn 700 sinh viên các ngành Sư phạm với điểm trúng tuyển trung bình 22,5 điểm. Đặc biệt, nhiều ngành có mức điểm trúng tuyển cao hơn năm trước. Điển hình như ngành Sư phạm Lịch sử có điểm trúng tuyển năm 2020 là 20,0 thì sang năm 2021 là 30,1 điểm.
Năm 2022, nhà trường tuyển sinh được hơn 500 sinh viên với điểm trung bình trúng tuyển là 23,75. Năm 2023, nhà trường tuyển sinh được gần 800 sinh viên với mức điểm trúng tuyển vào các ngành Sư phạm là 8,3 điểm/môn. Năm 2024, điểm chuẩn vào các ngành Sư phạm dao động từ 24 đến 27 điểm, trung bình 8 điểm mỗi môn.
Ngoài cơ hội việc làm rộng mở thì lý do để các trường sư phạm thu hút học sinh giỏi là nhờ chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm. Nghị định số 116/2020/NĐ-CP đã thúc đẩy nhu cầu học tập sư phạm của nhiều học sinh, từ đó giúp các trường sư phạm tăng thêm cơ hội để lựa chọn người học có năng lực, tâm huyết với nghề dạy học.
PGS.TS Hà Thị Thu Thủy – Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên, cho rằng: Những năm qua, ngành Sư phạm thu hút được lượng lớn thí sinh nhờ các chính sách ưu đãi. Quy định hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt đến từ Nhà nước dành riêng cho sinh viên sư phạm đã thu hút được học sinh giỏi quan tâm và xét tuyển.
TS Trịnh Đình Vinh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, học sinh giỏi đăng ký xét tuyển vào các trường sư phạm là điều đáng mừng. Số lượng thí sinh đăng ký tăng mang lại nguồn tuyển sinh dồi dào cho trường. Điều quan trọng hơn, việc thu hút học sinh có khả năng học tập xuất sắc vào ngành giáo viên là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục.
Lan Anh