Trong 2 ngày (25-26/4), tại Hải Phòng, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn Công tác kiểm tra. Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường chủ trì Hội nghị.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (25-26/4/2024).
Hội nghị tập huấn công tác kiểm tra của Bộ GD&ĐT nhằm nắm bắt kịp thời, đánh giá tình hình triển khai Quyết định số 1489 ngày 24/5/2023 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy định về công tác kiểm tra góc độ nội dung quy định và thực tiễn tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra của các đơn vị.
Hội nghị do Thanh tra Bộ GD&ĐT phối hợp cùng các đơn vị tổ chức với sự tham gia của hàng trăm đại biểu là lãnh đạo đơn vị, Vụ, Cục, cán bộ chuyên môn trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường nhấn mạnh những ưu điểm, hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra. Đồng thời yêu cầu các đại biểu nâng cao tinh thần trách nhiệm, phân tích, trao đổi, đóng góp ý kiến quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra của Bộ GD&ĐT.
Theo đó, đối với ngành GD&ĐT, cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục đang được đẩy mạnh, công tác kiểm tra ngày càng được chú trọng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.
Qua kiểm tra, Bộ GD&ĐT kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của các đối tượng được kiểm tra. Đồng thời giúp các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định pháp luật, phòng ngừa vi phạm và điều chỉnh hoạt động quản lý cho phù hợp.
Nhận thức rõ được vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT luôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong công tác kiểm tra.
Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường phát biểu tại Hội nghị.
Theo Thanh tra Bộ GD&ĐT, quy định 1489 ngày 24/5/2023 của Bộ đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch kiểm tra năm 2023. Kế hoạch kiểm tra năm 2023, có 20 đơn vị thuộc Bộ, với tổng 73 cuộc và 137 đối tượng kiểm tra. Trong đó kết quả thực hiện kế hoạch năm đạt 97,26%. Hầu hết các cuộc kiểm tra đều được thực hiện theo kế hoạch; việc tổ chức kiểm tra ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả. Các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với nhau để tiến hành kiểm tra, đặc biệt với những đoàn kiểm tra ghép đảm bảo trình tự, thủ tục quy định.
Với việc áp dụng trình tự, thủ tục có tính chất khác nhau trong mỗi cuộc kiểm tra có tác động điều chỉnh tức thì, khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót, thậm chí xử lý ngay được những vi phạm trong quá trình tổ chức kiểm tra, nhất là đối với các cuộc kiểm tra trong các khâu của các Kì thi.
Theo đánh giá, từ khi quy định 1489 ra đời, chế tài xử lý sai phạm, xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình kiểm tra đã tăng lên; khắc phục được vấn đề lúng túng trong quá trình xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra mà trước đây gặp phải…
Tuy nhiên, theo Phó Chánh Thanh tra Ngô Minh Hưng công tác kiểm tra còn bộc lộ một số tồn tại, khó khăn như: công tác xây dựng kế hoạch, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo còn gặp khó do chưa có phần mềm chuyên biệt quản lý; một số đơn vị đề xuất xây dựng, điều chỉnh kế hoạch kiểm tra hằng năm, báo cáo kết quả kiểm tra còn chậm, không đúng thời gian quy định; tổ chức thực hiện một số cuộc kiểm tra khác ngoài kế hoạch chung của bộ, khó khăn trong rà soát trùng lặp…
Đại biểu tham dự Hội nghị cùng trao đổi một số nội dung cần lưu ý khi thực hiện quy định về công tác kiểm tra của Bộ, đưa ra phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra trong thời gian tới.
Ngày 26/4, ngày thứ 2 trong khuôn khổ Hội nghị tập huấn, các đại biểu cùng nghe 2 chuyên đề: Hướng dẫn phát hiện vi phạm hành chính, lập biên bản vi phạm hành chính trong kiểm tra; Những lưu ý khi xây dựng Biên bản kiểm tra, Báo cáo kết quả kiểm tra và Thông báo kết quả kiểm tra.
Nguyễn Dịu