24 triệu học sinh, sinh viên toàn quốc bước vào năm học mới
Sáng 5/9, các trường mầm non, phổ thông trên cả nước đồng loạt làm lễ khai giảng năm học 2023-2024.
24 triệu học sinh, sinh viên cả nước chính thức bước vào năm học 2023-2024
Đây là năm học thứ tư thực thiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm học 2023-2024 có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông với rất nhiều việc phải làm: Vừa rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các lớp đã triển khai; triển khai mới với lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 của ngành giáo dục. Theo đó, năm học này, toàn ngành tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 với chủ đề năm học là: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2023-2024 là một năm với lượng công việc nhiều, tầm quan trọng lớn, chất lượng công việc có tác động lớn tới chất lượng đổi mới giáo dục phổ thông.
Bên cạnh việc tiếp tục rà soát, triển khai các lớp đã thực hiện theo chương trình mới, ngành giáo dục tập trung triển khai mới với các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị điều kiện triển khai các lớp cuối cấp 5, 9, 12.
Việc chuẩn bị sách giáo khoa cho các năm cuối cấp 5, 9, 12 có yêu cầu, đòi hỏi đặc biệt hơn, bởi đây là các lớp cuối cấp và cũng là cuối cùng của giai đoạn triển khai triển khai cuốn chiếu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông, nhiều vấn đề, nhiệm vụ quan trọng khác cũng sẽ được ngành giáo dục triển khai trong năm học mới này.
Đánh giá về những thuận lợi và khó khăn trong triển khai đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, một trong những thuận lợi lớn nhất của ngành là đang nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân. Sự quan tâm này đã và đang hỗ trợ rất lớn đối với ngành giáo dục, đồng thời tạo ra động lực quan trọng cho sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Tuy nhiên đổi mới mang theo những thách thức đối với cái cũ, tư duy cũ, quan niệm cũ và sức ì. Đổi mới càng sâu thì thách thức càng lớn. Đổi mới không chỉ liên quan đến học sinh, giáo viên, mà còn cần sự ủng hộ của phụ huynh, xã hội.
Đối với lực lượng nhà giáo, một trong những khó khăn nằm ở chỗ những cách làm cũ vốn đã định hình và ăn sâu vào thói quen giảng dạy. Không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với công việc mới cần làm theo yêu cầu của sự đổi mới. Để khắc phục cần có sự nỗ lực, quyết tâm, chia sẻ rất lớn từ đội ngũ các nhà giáo.
Bộ GD&ĐT đang làm rất nhiều việc để động viên, hỗ trợ giáo viên, cố gắng đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, để giáo viên có thêm động lực, chỗ dựa cho sự đổi mới.
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn toàn thể đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục tiếp tục kiên trì và tích cực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới; cố gắng, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, gương mẫu, đổi mới sáng tạo để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ.
Với học sinh, sinh viên, Bộ trưởng mong các em sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ học tập; tu dưỡng để đạt đến mục tiêu trở thành công dân tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Theo báo Giáo dục &Thời đại