12 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong năm học 2024 – 2025

Năm học 2024 – 2025, ngành Giáo dục xác định 12 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 (sáng 19/8), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, chủ đề của năm học mới là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”.

Theo đó, ngành Giáo dục xác định 12 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, triển khai Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Tham mưu và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 91-KL/TW.

Trên cơ sở đó, ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả; đồng thời đề xuất, xây dựng các Đề án, Chương trình đầu tư để bảo đảm nguồn lực thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo. Ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo.

Mặt khác, đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp tự chủ, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị.
Thứ ba, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; trong đó, quan tâm đến đối tượng là của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, xóa mù chữ và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030.
Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật.
Thứ tư, bảo đảm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục mầm non; bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là tại các cơ sở mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục. Chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới.
Triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông đối với các lớp, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9, lớp 12 và Chương trình xóa mù chữ, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan.

Cô – trò Trường tiểu học Trần Quang Cơ (Quận 12, TP Hồ Chí Minh).
Thứ năm, phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị. Tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; nghiên cứu xây dựng các Đề án nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2026 – 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ sáu, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông; quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học.
Thứ bảy, tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, học viên. Chú trọng xây dựng văn hóa học đường.
Tăng cường phòng, chống bạo lực học đường. Phát huy vai trò của giáo dục quốc phòng, an ninh trong giáo dục ý thức, trách nhiệm công dân, giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh; kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường.

Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 (sáng 19/8).
Thứ tám, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Tổ chức triển khai có hiệu quả các đề án, dự án liên quan tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tới phát triển các cơ sở giáo dục đại học, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn.
Tăng cường các hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học và công bố trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế và trong nước, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển khoa học giáo dục. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục trong nước về cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.
Thứ chín, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục. Thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo. Có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam;
Đồng thời, đẩy mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam. Tích cực tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế đối với giáo dục, đào tạo (PISA, PASEC…).
Thứ mười, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối liên thông dữ liệu trong ngành giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và Bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, giải pháp trí tuệ nhân tạo phù hợp trong giáo dục và đào tạo.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Mười một, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục và đào tạo.
Mười hai, tăng cường công tác truyền thông giáo dục. Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Mặt khác, tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành.
Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chủ động phát hiện, biểu dương và nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt trong toàn ngành.
Tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục và các hoạt động kỷ niệm 80 năm truyền thống ngành Giáo dục trên tinh thần trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, phù hợp.

Minh Phong

20 Tháng Tám, 2024 | 15:47