Hội thảo khoa học tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định, việc Bộ GD&ĐT được tin tưởng giao nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 là cơ hội, thuận lợi cho ngành.
Thứ trưởng yêu cầu các ý kiến phát biểu, trao đổi với tinh thần khách quan, khoa học, thực tiễn, đánh giá sát thực kết quả đạt được, không tô hồng, không bôi đen.
Cùng với đánh giá kết quả là chỉ ra hạn chế, nguyên nhân những tồn tại hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành trình bày dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức trình bày dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.
Các báo cáo nêu cụ thể những kết quả đạt được và hạn chế; nguyên nhân tồn tại, hạn chế; định hướng giai đoạn tiếp theo và các kiến nghị, đề xuất.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Nghị quyết 29 đã đặt ra 2 mục tiêu tổng quát, 3 mục tiêu cụ thể và 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đã đạt được những thành tựu đáng kể, các mục tiêu hầu hết đã đạt được.
Cụ thể, hệ thống các cơ sở giáo dục phổ thông đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân.
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở (THCS) tiếp tục được quan tâm nhằm củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục và từng bước đạt chuẩn mức độ cao hơn.
Tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,7% (tăng 3,5% so với năm học 2013 – 2014). Học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào THCS đạt 94,3%. Học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục THCS đạt 90,7%.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành phát biểu tại hội thảo.
Thực hiện Nghị quyết 29, ngành Giáo dục tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan.
Ban hành mục tiêu, chuẩn đầu ra của Chương trình GDPT tổng thể và chương trình giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục của từng bậc học, môn học đối với GDPT, giáo dục thường xuyên. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GDPT, giáo dục thường xuyên. Ban hành tương đối toàn diện, bao quát hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất theo yêu cầu đổi mới.
Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng.
Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần được nhìn nhận đánh giá một cách khách quan, trung thực để rút ra các bài kinh nghiệm tiếp tục triển khai trong bối cảnh và giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần được nhìn nhận đánh giá một cách khách quan, trung thực để rút ra các bài kinh nghiệm tiếp tục triển khai trong bối cảnh và giai đoạn tiếp theo.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức phát biểu tại hội thảo.
Nhận diện thách thức
Trình bày dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức thông tin:
Cả nước có tổng số 1.234.124 giáo viên mầm non, phổ thông; tăng 141.894 so với năm học 2012 – 2013. Tuy nhiên, con số này chưa tương xứng với việc tăng số lượng học sinh. Năm học 2022 – 2023, toàn quốc thiếu 118.253 giáo viên.
Số giảng viên đại học là 78.190, cũng tăng hơn 16 nghìn so sánh với số liệu năm học 2012 – 2013
Để bảo đảm chất lượng đội ngũ, nhiều đề án đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã được ban hành. Đồng thời, Bộ GD&ĐT ban hành quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chuẩn giám đốc trung tâm GDTX; các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm; quy định, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, nhân viên ngành Giáo dục; đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Năm học 2022 – 2023, trình độ đạt chuẩn của giáo viên (theo Luật Giáo dục 2019) tiểu học là 83,26%; THCS là 90,32%, THPT là 99,83% (tăng so với năm học trước lần lượt là 13,70%; 7,05%; 0,1%);
Hệ thống chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã cơ bản hoàn chỉnh và được các đơn vị triển khai tương đầy đủ, kịp thời…
Về cơ sở vật chất, cả nước có 606.210 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập, trong đó, số phòng học kiên cố 517.920 phòng, đạt tỷ lệ 85,44% (tăng gần 23% so với năm học 2013 – 2014).
Đánh giá Nghị quyết 29 ban hành cách đây 10 năm là rất kịp thời, phù hợp từ quan điểm chỉ đạo đến mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh lại các kết quả, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và giải pháp, bài học kinh nghiệm được chia sẻ, trao đổi tại hội thảo.
Thứ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, đồng thời cho biết thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức hội nghị toàn quốc để lấy ý kiến để hoàn thiện báo cáo tổng kết một cách chất lượng.
|